Hà Nội: Siêu dự án VietinBank Tower vẫn “đắp chiếu” sau hơn thập kỷ thi công?
(Xây dựng) – Được khởi công xây dựng từ năm 2010, với kỳ vọng “đây sẽ là tổ hợp ngân hàng tài chính đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á”. Tuy nhiên sau 11 năm, VietinBank Tower vẫn chỉ là những khối sắt khổng lồ và hoang phế.
Công trình Tòa nhà trụ sở chính – Trung tâm thương mại tài chính Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank Tower) tại khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội. |
Dự án được chính thức khởi công vào ngày 20/10/2010. Theo kế hoạch, dự án có tổng vốn đầu tư 10.267 tỷ đồng – được coi là siêu dự án nghìn tỷ bậc nhất Việt Nam. Với tổng diện tích sử dụng lên tới 300.000m2, VietinBank Tower gồm 2 tòa tháp, được liên kết bằng khối đế 7 tầng dành cho các mục đích sử dụng chung như phòng hội nghị, hội thảo, trung tâm thương mại cao cấp, quán cafe và nhà hàng.
Tháp thứ nhất cao 68 tầng được thiết kế tiết kiệm tối đa năng lượng tiêu thụ sẽ là trụ sở làm việc chính của VietinBank. Tháp thứ hai với 48 tầng sẽ là nơi đặt khách sạn 5 sao, khu chăm sóc sức khỏe, căn hộ cao cấp cho thuê. Các tầng phía trên của mỗi tháp được bố trí theo đường chéo để tạo thành các góc chữ V, biểu trưng của VietinBank.
Dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang xây dựng dang dở, dừng thi công nhiều năm.
Dự án chiếm vị trí “đất vàng” tại khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đối tác tư vấn thiết kế là Foster & Parthers và đối tác giám sát thiết kế là Công ty Turner. |
Trên cơ sở ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, ngày 8/12/2018, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua chủ trương về việc đến hết năm 2020 cơ cấu lại dự án theo 3 phương án.
Trong đó, phương án 1 sẽ chuyển nhượng toàn bộ dự án và Ngân hàng sẽ thuê lại 68 tầng để làm trụ sở làm việc. Hết thời gian thuê, VietinBank sẽ mua lại tài sản với giá tượng trưng hoặc phương thức xác định giá được thỏa thuận cụ thể.
Phương án 2 là chuyển nhượng một phần tài sản dự án gồm tòa tháp 48 tầng, khối đế và tài sản khác (nếu có thỏa thuận). VietinBank sở hữu tòa tháp 68 tầng để làm trụ sở làm việc. Đối với phương án này, tháp 68 tầng sẽ giữ lại làm trụ sở chính của VietinBank và Ngân hàng sẽ xin chủ trương Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tổng mức đầu tư để triển khai thực hiện hoàn thành tòa nhà trụ sở chính tháp 68 tầng.
Với phương án 3, trong thời gian chưa chuyển nhượng được toàn bộ dự án và một phần dự án (tháp 48 tầng, khối đế và các tài sản khác…) cho nhà đầu tư bên ngoài, VietinBank tiếp tục triển khai dự án, xử lý phù hợp các công việc phát sinh, thúc đẩy nhanh tiến độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của VietinBank.
Trong 3 phương án trên, VietinBank ưu tiên phương án 1. Vì vậy, VietinBank đã mời các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực tài chính và quan tâm đến dự án gửi bản đăng ký quan tâm, đồng thời đến làm việc để được cung cấp thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định đầu tư và tham gia vào các giai đoạn tiếp theo của quá trình tái cơ cấu dự án. Đến hết quý I/2021, 29 nhà đầu tư quan tâm, 2 nhà đầu tư đề xuất tài chính mua dự án tháp đôi VietinBank Tower 68 tầng.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi nhận tại Dự án sau hơn 10 năm khởi công:
Vào thời điểm xây dựng, đây được cho là là tổ hợp tài chính, ngân hàng, khách sạn đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. |
Suốt 1 thập kỷ ròng rã, dự án nghìn tỷ chưa thể hoàn thành phần thô, bỏ dở lâu năm khiến các hạng mục có dấu hiệu xuống cấp nặng nề. |
Bên trong dự án trở thành bãi rác vật liệu xây dựng. Máy móc, thiết bị xây dựng vứt ngổn ngang. Sau nhiều năm phơi mưa nắng đã hoen rỉ, xuống cấp. |
Khung cảnh hoang hóa của dự án giữa đất vàng Thủ đô. |
Sau nhiều năm ngừng triển khai, hiện tại VietinBank đang “đắp chiếu” nhiều hạng mục của dự án đã hoen rỉ, rêu mốc. |
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến dự án và thông tin đến bạn đọc.
Nguồn: Báo xây dựng