Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng

Thủ đoạn mạo danh ngân hàng gửi link giả mạo để đánh cắp thông tin

Mới đây, Vietcombank đã phát đi cảnh báo về thủ đoạn giả mạo ngân hàng để lừa đảo. Cụ thể, kẻ gian gửi tin nhắn SMS thông báo “điểm thưởng sắp hết hạn”, kèm theo đường link giả mạo có tên gần giống tên miền chính thức như: vietcomm.top, vieetcom.top, vietcommbank.top, vnviettcad.top… Những trang web này được thiết kế với giao diện tương tự trang chính thức của Vietcombank nhằm đánh lừa người dùng.

Khi khách hàng truy cập vào các đường link này và nhập thông tin cá nhân, số thẻ, mã OTP để “đổi quà” hoặc “nhận hoàn tiền”, kẻ gian sẽ có đủ dữ liệu để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Vietcombank khẳng định ngân hàng không gửi email, tin nhắn có chứa đường link yêu cầu người dùng cung cấp thông tin và khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không truy cập vào các liên kết lạ. Trong trường hợp đã nhập thông tin vào trang giả mạo, người dùng cần khẩn trương khóa thẻ và liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ.

Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng
Ảnh minh họa.

Không chỉ mạo danh ngân hàng, các đối tượng lừa đảo còn khai thác tâm lý tiết kiệm trong mùa du lịch để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. SeABank cảnh báo về chiêu trò lập fanpage giả mạo có dấu tích xanh, sử dụng tên, logo và hình ảnh của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng để quảng bá các gói combo du lịch giá rẻ. Kẻ gian giả danh nhân viên công ty du lịch, tương tác với khách hàng qua mạng xã hội, sau đó dẫn dụ họ chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản được chỉ định.

Ngoài ra, một số đối tượng còn giả làm nhân viên giao hàng, gọi điện yêu cầu khách thanh toán đơn hàng hoặc truy cập vào đường link để xác nhận mua hàng. Các đường link này thường chứa mã độc có khả năng chiếm quyền điều khiển thiết bị của người dùng, từ đó đánh cắp thông tin ngân hàng.

Ngân hàng tăng cường biện pháp phòng ngừa rủi ro

Trước tình trạng lừa đảo diễn biến phức tạp, các ngân hàng đồng loạt khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin bảo mật như mã OTP, số thẻ, tài khoản đăng nhập cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, tuyệt đối không truy cập vào các liên kết lạ được gửi qua tin nhắn, email hoặc mạng xã hội.

Bên cạnh việc cảnh báo, các ngân hàng cũng đang áp dụng nhiều giải pháp công nghệ để tăng cường khả năng phòng ngừa và phát hiện gian lận. Agribank đã tích hợp công cụ cảnh báo tài khoản đáng ngờ trong ứng dụng Agribank Plus. Theo đó, khi khách hàng nhập số tài khoản người nhận, hệ thống sẽ tự động đối chiếu với dữ liệu từ Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống nội bộ để cảnh báo nếu tài khoản có dấu hiệu nghi vấn.

Tương tự, MB Bank bổ sung tính năng “Khiên thép” trên ứng dụng của mình. Công cụ này có khả năng quét và phát hiện tài khoản thụ hưởng bất thường, đặc biệt là những tài khoản có sai lệch dữ liệu dân cư hoặc liên quan đến danh sách cảnh báo lừa đảo.

Một trong những bước đi quan trọng để xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro chung của toàn ngành là cơ sở dữ liệu tập trung về các tài khoản nghi ngờ lừa đảo. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay, đã có hơn 350.000 tài khoản nghi ngờ bị thu thập từ các tổ chức tín dụng và cơ quan chức năng. Kho dữ liệu này được chia sẻ theo cơ chế “cùng gửi, cùng nhận” giữa các ngân hàng, giúp đồng bộ hóa cảnh báo rủi ro và phát hiện sớm các hoạt động gian lận.

Trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, sự tỉnh táo và hiểu biết của người dùng là yếu tố then chốt để tự bảo vệ tài sản của mình. Các ngân hàng khuyến khích khách hàng thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo từ ngân hàng, nâng cao kỹ năng nhận biết lừa đảo, đồng thời kích hoạt các tính năng bảo mật cao nhất khi giao dịch ngân hàng trực tuyến. Việc phối hợp chặt chẽ giữa người dùng, ngân hàng và cơ quan chức năng sẽ góp phần hạn chế rủi ro và tạo môi trường tài chính an toàn hơn trong thời đại số.

T.An (t/h)

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích