Đốc thúc mạnh mẽ tiến độ Dự án Hồ chứa nước Ka Pét (Bình Thuận)
Đốc thúc mạnh mẽ tiến độ Dự án Hồ chứa nước Ka Pét (Bình Thuận)
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phải lên tiếng mạnh mẽ để đốc thúc khi mà sau gần 2 năm dự án Hồ chứa nước Ka Pét vẫn chưa thực hiện xong thủ tục quyết định đầu tư.
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần có đánh giá chi tiết về tiến độ thực hiện dự án, những khó khăn, tồn tại, nguyên nhân và giải pháp để sớm hoàn thành dự án.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 93/2019/QH14).
Đây là dự án đầu tư thuộc nhóm B, công trình cấp II. Mục tiêu Dự án là cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.
Đến nay, chủ đầu tư đã thực hiện xong công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án. Tuy nhiên, do diện tích rừng lớn, khối lượng công việc đánh giá hiện trạng rừng và trồng rừng thay thế nhiều, việc thực hiện phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật liên quan nên thời gian chuẩn bị báo cáo bị kéo dài. Đồng thời, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi thì chi phí đầu tư cho Dự án tăng do thay đổi giá, đơn giá,… do cập nhật theo các quy định mới của pháp luật.
Tổng chi phí đầu tư sau khi tính toán chi tiết là 1.015,52 tỷ đồng, tăng thêm 429,87 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết 93/2019/QH14. Vì vậy, theo quy định tại Điều 34 Luật Đầu tư công, chủ đầu tư phải thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.
Chính phủ báo cáo Quốc hội là UBND tỉnh Bình Thuận đã có Tờ trình số 3209/TTr-UBND ngày 27/8/2021, đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Ngày 15/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1534/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nhưng đến thời điểm báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa nhận được hồ sơ trình thẩm định nên chưa có cơ sở báo cáo Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định theo quy định.
Đồng thời, báo cáo của Chính phủ chỉ mới thống kê đầu công việc; không đánh giá, không phân tích, không nêu được những khó khăn, tồn tại, nguyên nhân của việc chậm tiến độ thực hiện Dự án, giải pháp khắc phục và đề xuất, kiến nghị với Quốc hội – cơ quan thẩm tra nêu rõ.
Tiến độ thực hiện Dự án còn chậm, đến nay sau gần 2 năm vẫn chưa thực hiện xong thủ tục quyết định đầu tư, Uỷ ban của Quốc hội nhấn mạnh.
Cơ quan thẩm tra nêu rõ, Dự án Hồ chứa nước Ka Pét có vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của huyện Hàm Thuận Nam nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung. Dự án có thời gian chuẩn bị đầu tư từ năm 2016 đến năm 2019 mới được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, lập báo cáo khả thi có phát sinh việc tăng vốn so với tổng mức đầu tư được Quốc hội phê duyệt do địa phương xây dựng và áp dụng giá, đơn giá, chi phí, định mức mới được ban hành theo quy định pháp luật, không phải tăng do bổ sung hạng mục hoặc tăng khối lượng so với giai đoạn lập chủ trương đầu tư; các chỉ tiêu cơ bản của Dự án không thay đổi.
Vì vậy, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 34 Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, theo Báo cáo số 381/BC-CP, Chính phủ vẫn chưa có ý kiến đề xuất Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án mà chỉ mới báo cáo lại ý kiến xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án của chủ đầu tư là UBND tỉnh Bình Thuận.
Nêu ý kiến thẩm tra tại phiên họp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, công tác tổ chức triển khai thực hiện Dự án được chủ đầu tư chủ động thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục. Tính đến thời điểm báo cáo, chủ đầu tư là UBND tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành tất cả các hạng mục nghiên cứu khả thi và đang tập hợp hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định và xin điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án do tăng chi phí đầu tư được phê duyệt tại Nghị quyết 93/2019/QH14.
Tuy nhiên, sau khi được kiểm tra, đo đếm thực địa, diện tích phải chuyển mục đích sử dụng rừng giảm 61,68 ha nhưng chi phí bồi hoàn rừng tăng 494,8% so với dự toán theo Nghị quyết 93/2019/QH14. Tiến độ thực hiện Dự án chậm, đến nay sau gần 2 năm vẫn chưa thực hiện xong thủ tục quyết định đầu tư.
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, Dự án Hồ chứa nước Ka Pét có vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của huyện Hàm Thuận Nam nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung. Bởi vậy, đề nghị Chính phủ cần đánh giá chi tiết về tiến độ thực hiện, những khó khăn, tồn tại, nguyên nhân, giải pháp và kiến nghị, làm cơ sở cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra và báo cáo Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, lưu ý phương pháp lập dự án và thông tin sử dụng lập dự án để rút ngắn thời gian lập dự án, điều chỉnh dự án, qua đó hạn chế mức độ chênh lệch số liệu dự án giữa giai đoạn lập dự án và giai đoạn triển khai dự án giúp cho việc quyết định đầu tư và phân bổ ngân sách hợp lý và có tính khả thi hơn.
Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, đề nghị cần tăng cường trách nhiệm, gấp rút triển khai thực hiện hoàn thiện việc lập hồ sơ xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trong đó có việc rà soát, bổ sung và phê duyệt phương án trồng rừng thay thế cho phần diện tích còn lại.
Bên cạnh lý do khách quan, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến thảo luận tại phiên họp và rút kinh nghiệm đối với những mặt còn tồn tại, khẩn trương rà soát trong thực hiện dự án; đồng thời phân công Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy phân tích, làm rõ những đề xuất, kiến nghị của Chính phủ và chủ đầu tư có những đề xuất đẩy nhanh tiến độ dự án trong thời gian tới./.
PV(T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị