Lạng Sơn thu giữ gần 7 tấn xúc xích và chân gà không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Cụ thể, vào ngày 15/7, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp cùng Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện chiếc xe ô tô biển kiểm soát 29B-068.24 đang dừng đỗ tại đường Ngô Quyền, phường Đông Kinh có dấu hiệu vi phạm.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 106 bao tải chứa tổng cộng 3.180 túi xúc xích, mỗi túi trọng lượng 700g, với trị giá ước tính khoảng 100 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, ông N.C.V – lái xe trú tại phường Kỳ Lừa – không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa này.

Xúc xích không rõ nguồn gốc bị tịch thu. Ảnh: Chi cục QLTT Lạng Sơn

Cùng ngày 15/7, Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp với Phòng PC03, Công an tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan liên quan đã tiến hành kiểm tra xe tải biển số 15C-431.34 do ông Hoàng Văn Lâm, trú xã Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn điều khiển.

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện trong thùng hàng có 3.942 kg chân gà đã qua sơ chế, đóng trong các bao tải dứa và có dấu hiệu chảy nước. Ông Lâm không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, hóa đơn, chứng nhận kiểm dịch thú y hay bất cứ giấy tờ liên quan đến lô hàng này. Trị giá tang vật ước tính khoảng 80 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 6 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã kiểm tra, xử lý hơn 2.540 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng cấm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 2.350 vụ. Việc phát hiện và xử lý các vụ vi phạm liên quan đến hàng hóa không rõ nguồn gốc tại Lạng Sơn đã góp phần quan trọng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn.

TCVN 5603:2023 về vệ sinh thực phẩm

Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, hướng dẫn các nguyên tắc chung để sản xuất thực phẩm an toàn và phù hợp cho nhu cầu tiêu dùng dựa trên các biện pháp kiểm soát vệ sinh và an toàn thực phẩm cần thiết được thực hiện trong sản xuất (bao gồm cả sản xuất ban đầu), chế biến, chuẩn bị, bao gói, bảo quản, phân phối, bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, vận chuyển thực phẩm cũng như các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm cụ thể sẽ được áp dụng ở các bước nhất định trong toàn bộ chuỗi thực phẩm, khi thích hợp.

Các nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm: GHP là viết tắt của “Thực hành vệ sinh tốt” và HACCP là hệ thống “Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn”. Nguyên tắc này nhằm mục đích cung cấp các nguyên tắc và hướng dẫn về việc áp dụng các GHP được áp dụng trong toàn bộ chuỗi thực phẩm để cung cấp thực phẩm an toàn và phù hợp cho nhu cầu tiêu dùng; Cung cấp hướng dẫn về việc áp dụng các nguyên tắc HACCP; Làm rõ mối quan hệ giữa GHP và HACCP; Cung cấp cơ sở để có thể thiết lập các quy phạm thực hành dành riêng cho ngành và sản phẩm.

 An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích