Quản lý nhà nước về báo chí để kiến tạo cho sự phát triển

Quản lý nhà nước về báo chí để kiến tạo cho sự phát triển
Sáng 7/3, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi làm việc với Cục Báo chí.

Đạt được nhiều thành tích
Chia sẻ cảm xúc khi lần đầu tiên
làm việc với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí nay là Cục Báo
chí – Bộ VHTTDL, Bộ
trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, ngay sau khi tiếp nhận nguyên trạng
5 đơn vị thuộc Bộ TT&TT, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị giao ban tháng 3 để triển
khai công việc và đã có kế hoạch sớm làm việc với các đơn vị mới sáp nhập về Bộ.
Đánh giá rằng quản lý báo chí là lĩnh vực khó, Bộ trưởng nhấn mạnh, với tinh thần
là để công việc không bị ngắt quãng mà luôn phát huy hiệu quả dù sáp nhập hay
không sáp nhập, Bộ trưởng mong muốn, Cục tiếp tục phát huy hiệu quả, hoàn thành
tốt nhiệm vụ.

Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết, Cục Báo chí là tổ chức hành chính trực thuộc Bộ, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong lĩnh vực báo in và báo điện tử, bao gồm: báo in, tạp chí in, báo điện tử, tạp chí điện tử, bản tin thông tấn, bản tin, đặc san.
Cục được thành lập đến nay đã gần
22 năm, từng có thời gian là cơ quan của Bộ Văn hóa – Thông tin rồi chuyển về Bộ
TT&TT và nay lại được quay trở về với Bộ VHTTDL. Về Bộ mới với chức năng quản
lý nhà nước về Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong đó văn hóa được xác định là nền
tảng, thể thao là sức khỏe và du lịch là sự phát triển bền vững. Từ đó Cục cũng
đã xác định phải kiên định mục tiêu, quyết liệt hành động, lựa chọn đúng nhiệm
vụ trọng tâm, tạo đột phá trong công việc.
Cục trưởng Cục Báo chí cho biết,
với những quan điểm chỉ đạo mới, báo chí trong giai đoạn mới cũng cần xác định
phải lấy văn hóa làm nền tảng, tạo sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy khát vọng
phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng con người Việt Nam có ý chí vươn lên, tự lực,
tự cường. Về quản lý nhà nước về mặt báo chí cũng phải xây dựng được đội ngũ
báo chí tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt chức năng dẫn dắt
và định hướng dư luận xã hội.

Về công tác tham mưu xây dựng thể
chế, chính sách, Cục đang xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) để trình Quốc
hội tại kỳ họp vào năm nay; xây dựng Nghị định tiền bản quyền trong lĩnh vực
báo chí; hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh truyền hình,
thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; đang triển
khai thực hiện Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến
năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ…

Khi được chuyển giao về Bộ mới với
chức năng, nhiệm vụ mới, Cục Báo chí sẽ tiến hành nhiều nhiệm vụ trong năm 2025
trong đó ưu tiên là hỗ trợ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực
VHTTDL. Từ đó cùng cả Bộ chung tay, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển
đất nước, sẵn sàng tâm thế để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của
toàn dân tộc.

Cục cũng sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ định hướng để các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền cho các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025; thực hiện tốt các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ như cấp, đổi thẻ nhà báo thời hạn 2026-2030 cho 21.000 nhà báo; cấp các loại giấy phép, đổi giấy phép hoạt động báo chí cho các cơ quan thực hiện tinh gọn bộ máy; thỏa thuận bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí; thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra; tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Tháng 5.2025); thúc đẩy chuyển đổi số báo chí và phát triển kinh tế báo chí…
Bên cạnh những thuận lợi là sự
quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ TT&TT và nay là lãnh đạo
Bộ VHTTDL, Cục trưởng Lưu Đình Phúc cũng đã nêu bật những khó khăn, vướng mắc
và những đề xuất, kiến nghị trình lãnh đạo Bộ VHTTDL.
Quản lý báo chí là để kiến tạo cho sự phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ
trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình cho biết, với lịch sử hơn 20 năm, khi
Cục Báo chí chuyển giao về Bộ VHTTDL, lãnh đạo Bộ đã rất quan tâm. Bộ cũng đã tổ
chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 43 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của Bộ VHTTDL trong đó Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặc biệt quan
tâm và đã có nhiều chỉ đạo về công tác báo chí.

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng
Bộ VHTTDL Phan Tâm nhắc lại những đánh giá của lãnh đạo Bộ TT&TT khi Cục Báo chí còn
trực thuộc Bộ: Cục là một tập thể mạnh, chắc về chuyên môn, là một tập thể đoàn
kết, cán bộ công chức có tinh thần trách nhiệm cao, đổi mới sáng tạo. Vì thế dù
lực lượng dù mỏng nhưng Cục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở một lĩnh vực, như lời
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói là đầy khó khăn.
Cục cũng đã góp phần thúc đẩy sự
phát triển của báo chí, vai trò của báo chí được nâng cao hơn trước, nhất là
trong công tác truyền thông chính sách, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn
vinh, hạnh phúc. Những thành tựu, kết quả của Cục đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, đánh giá cao. Thứ trưởng Phan Tâm cũng tin
rằng, trong thời gian tới khi Cục Báo chí được trở về với cội nguồn, gốc rễ của
mình là Bộ VHTTDL, Cục sẽ phát huy và hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ của
mình.

Đánh giá cao những thành tích, kết
quả mà Cục Báo chí đã làm được trong công tác quản lý nhà nước về báo chí trong
thời gian qua, như nhận định của lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thông tin, Bộ TT&TT
qua các thời kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, kể từ khi thành lập, Cục
Báo chí đã có bước tiến dài, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về mặt
báo chí. Từ đó giúp cho báo chí Cách mạng Việt Nam trở thành một dòng chảy
chính thống, truyền năng lượng tích cực, tạo sự đồng tâm, đoàn kết thực hiện thắng
lợi các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tinh thần của chủ nghĩa Mác
– Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng cũng đánh giá với đội
ngũ biên chế còn chưa đông nhưng Cục đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc,
giúp hoàn thiện khung khổ pháp lý về báo chí để các văn bản tham mưu có
“tuổi thọ”, độ dài hơn về thời gian. Cục cũng đã xử lý tốt các vi phạm,
sai phạm trong lĩnh vực báo chí để đưa các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn
chỉ, mục đích.

Chia sẻ với những khó khăn trong
công tác quản lý nhà nước về báo chí, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ,
mạng xã hội phát triển như vũ bão, mong muốn của xã hội cũng ngày càng cao hơn,
với tinh thần nhìn lại để tiến xa hơn, Bộ trưởng mong muốn những cố gắng, nỗ lực
ấy sẽ tiếp tục được phát huy để góp phần thực hiện tốt hơn chức năng quản lý
nhà nước của Bộ.
Về các nhiệm vụ triển khai trong
năm 2025, Bộ trưởng chỉ đạo, Cục phải tập trung cho công tác xây dựng thể chế bởi
thể chế như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm chính là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Khi xây dựng Luật và các văn bản pháp luật, Cục cần tiến hành trên tinh thần
không phải để cấm mà là để kiến tạo cho sự phát triển.

Trong quá trình xây dựng Luật, phải
am hiểu thực tiễn, lắng nghe nhiều chiều, thấm nhuần, bổ sung được tinh tinh thần
của Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng
tạo và chuyển đổi số quốc gia vào Luật Báo chí.
Trong thời gian tới, Cục cần khẩn
trương hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) để trình lãnh đạo Bộ xem xét,
sớm hoàn thiện Quy hoạch báo chí, Quy hoạch mạng lưới báo chí; đẩy mạnh truyền
thông chính sách; chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí; tăng cường công tác
thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động báo chí. Đồng thời tham mưu cho lãnh
đạo Bộ để minh định rõ chức năng giữa các cơ quan quản lý về báo chí và giữa Cục
với các cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Báo
chí tiếp tục thực hiện công tác tinh gọn bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết
18 về sắp xếp, tổ chức bộ máy, tránh để cơ quan nhà nước là nơi trú ẩn an toàn
của công chức yếu kém… Bộ trưởng mong muốn với tư cách là cơ quan quản lý nhà
nước về báo chí, Cục Báo chí nên tổ chức một giải báo chí xứng tầm, chất lượng,
khuyến khích, động viên tinh thần của các cơ quan thông tấn báo chí, các nhà
báo tham gia.
Là cơ quan quản lý nhà nước về
báo chí, Bộ trưởng chỉ đạo, Cục Báo chí sớm xây dựng kế hoạch kỷ niệm 100 năm
Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đồng thời mong muốn Cục sẽ có khí thế mới, niềm tin
mới, khát vọng mới để cùng cả Bộ đóng góp, vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ
nguyên ấm no, phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc.