Trẻ khủng hoảng tâm lý do học trực tuyến kéo dài
Trẻ khủng hoảng tâm lý do học trực tuyến kéo dài
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc học trực tuyến của trẻ kéo dài, tác động đến tâm lý của các em, làm tăng lo âu, giảm tương tác là khó tránh khỏi.
Học sinh khủng hoảng tâm lý khi ở nhà dài ngày
Đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài nhiều tháng qua khiến các em học sinh không thể đến trường suốt thời “dài đằng đẵng” để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Vì thế học trực tuyến được coi là một giải pháp cấp thiết cho vấn đề giáo dục. Tuy nhiên, việc ở nhà quá lâu lại trở thành nỗi khủng hoảng tâm lý của nhiều trẻ.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Ngô Thị Minh nhận định, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tâm lý các em học sinh trong thời gian không thể đến trường.
“Các em vừa phải trải qua thời gian biến chuyển tâm sinh lý lại vừa phải làm quen với việc chuyển đổi từ hình thức học trực tiếp sang gián tiếp. Nhiều em điều kiện kinh tế gia đình trở nên khó khăn hơn, chưa kể những yếu tố rủi ro, có những học sinh mồ côi cha mẹ, mất đi người thân và những sang chấn tâm lý đối với các em là không thể tránh khỏi. Có một số em bị khủng hoảng tâm lý”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết.
Nhiều chuyên gia lo lắng học trực tuyến kéo dài sẽ khiến học sinh bị ảnh hưởng tâm lý.
Thạc sĩ Tô Thị Hoan, chuyên gia tâm lý học đường chia sẻ, việc học trực tuyến khiến nhiều học sinh rơi vào trạng thái mệt mỏi, thiếu tương tác và cô lập xã hội. Khi thiếu tương tác xã hội, đặc biệt là với bạn đồng lứa, có thể dẫn trẻ đến cảm giác cô đơn, thiếu động lực và bị cô lập. Đây cũng là lý do nhiều học sinh rơi vào tình trạng tăng lo âu và căng thẳng khi học trực tuyến.
Cô Kim Thị Loan, giáo viên Trường THPT Lê Xoay (Vĩnh Phúc) cho rằng, vấn đề khiến cô cùng các đồng nghiệp lo lắng hiện nay chính là sức khỏe, tâm lý của học sinh. Việc học sinh ngồi bên máy tính, không có bạn bè bên cạnh để giao tiếp, vận động trong thời gian dài dễ khiến sức khỏe, tâm lý của các em bị ảnh hưởng lớn.
“Đúng như chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, cần hỗ trợ tâm lý cho học sinh, không vì áp lực chất lượng học tập mà gây thêm sức ép cho các em”, cô Loan cho biết.
Làm gì để giải tỏa căng thẳng mùa dịch cho học sinh?
Cảnh báo khủng hoảng tâm lý học đường vì Covid-19 là vấn đề được nhiều chuyên gia giáo dục đặt ra. Những khó khăn, khủng hoảng tâm lý của học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên có kiến thức sâu về tâm lý, tư vấn tâm lý học đường, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn, đội.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng để đánh giá đúng thực trạng, hậu quả do dịch Covid-19 gây ra ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, cũng như tập trung kỹ năng nhận diện được sự căng thẳng, khó khăn của mỗi em, các cán bộ, giáo viên cần được hướng dẫn thực hành kỹ năng tư vấn, hỗ trợ học sinh thực hiện những bài tập thư giãn, giảm căng thẳng trong và sau thời gian dịch Covid-19, chuẩn bị cho các em quay lại trường một cách tốt nhất.
Giáo viên cần có kiến thức chuyên sâu về tâm lý để tư vấn, trò truyện cùng các em học sinh (Ảnh HM)
Trên thực tế, dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến các học sinh mà cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của các thầy cô giáo. Trước mắt, chính các thầy cô cũng phải biết cách cân bằng công việc gia đình và công việc của trường lớp để có quỹ thời gian phù hợp, làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho các học sinh.
“Khi bị cách ly khỏi lịch sinh hoạt thường ngày từ 14 ngày trở lên, chúng ra sẽ có những biểu hiện như mất các khái niệm về thời gian. Các hoạt động để cân bằng cuộc sống như vận động, giải trí hàng ngày cũng không thể thực hiện, mỗi người bị cô lập trong những không gian nhỏ hẹp và phải làm việc liên tục. Những điều này khi kéo dài quá lâu sẽ khiến mỗi người cảm thấy quá tải, bản thân các giáo viên cũng có thể mất đi tâm thế dạy học, giảm khả năng tập trung vào bài giảng”, PGS. TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho biết.
Để giải quyết những vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, mỗi người nói chung và bản thân giáo viên nói riêng cần có những thủ thuật quản lý thời gian hiệu quả để tránh quá tải công việc trong mùa dịch, hạn chế tiếp xúc với quá nhiều với những thông tin tiêu cực.
Giáo viên nên trao đổi với phụ huynh để có khung giờ giải đáp những thắc mắc, phản hồi về việc học của trẻ. Bản thân mỗi thầy cô cũng cần tranh thủ, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, cân bằng cuộc sống.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần trau dồi những kỹ năng về tư vấn, hỗ trợ học sinh khi gặp những khó khăn tâm lý, kỹ năng giúp học sinh bảo đảm an toàn, phòng chống bạo lực, xâm hại và các kỹ thuật giúp cán bộ, giáo viên cân bằng giữa công việc và gia đình.