Sóng dịch chuyển, đất ngoại thành Hà Nội ‘hét’ giá ngang ngửa khu trung tâm
Khảo sát thực tế ở huyện Đông Anh, trên các tuyến đường chính của trung tâm thị trấn Đông Anh, các xã: Tiên Dương, Uy Nỗ, Vĩnh Ngọc, Dương Nội,… số lượng văn phòng môi giới, giao dịch nhà đất xuất hiện dày đặc. Chỉ tính riêng khu vực chân cầu Nhật Tân thuộc địa phận ven đê xã Vĩnh Ngọc, trong bán kính 1km đã có tới hàng chục văn phòng môi giới nhà đất lớn nhỏ.
Văn phòng môi giới, giao dịch nhà, đất xuất hiện dày đặc trên địa bàn huyện Đông Anh. |
Theo các văn phòng môi giới nhà đất, sau thông tin huyện sắp thành thành phố, số lượng người về khu này tìm mua đất tăng hơn hẳn. Họ khẳng định, đất Đông Anh từ lâu đã “hot” và mức giá luôn cao hơn những huyện ngoại thành khác. Thậm chí đợt “sốt đất” đầu năm có nơi giá đất được đẩy lên gấp 9, gấp 10 lần, ở mức hơn trăm triệu đồng/m2, sau đó giá đất có giảm xuống nhưng hiện tại nhiều nơi lại bắt đầu tăng từ 3 – 5 triệu đồng/m2.
“Cách đây khá lâu mảnh đất giãn dân rộng 80m2, ở mặt đường, cách trung tâm văn hóa huyện Đông Anh 1km, pháp lý rõ ràng được rao bán với giá 70 triệu đồng/m2, sau đó lên 90 rồi 100 triệu đồng/m2; nhưng mới đây, sau tin huyện sắp được quy hoạch thành thành phố, người ta đã rao bán với giá 130 triệu đồng/m2”, một người dân ở thị trấn Đông Anh chia sẻ.
Hiện tại muốn tìm mua nhà, đất mặt đường tại khu trung tâm của huyện Đông Anh rất khó và giá rất cao, dao động từ 80 – 150 triệu đồng/m2, tùy vị trí; đất trong ngõ thì giá “mềm” hơn và rơi vào tầm 35 – 40 triệu đồng/m2. Nhưng muốn mua khách phải tự đi tìm chứ chủ không treo biển bán.
Đặc biệt, môi giới và người dân khẳng định giá nhà, đất khu vực đường Cao Lỗ, xã Uy Nỗ, gần trung tâm văn hóa huyện Đông Anh (sắp hoàn thành) cao ngất. Theo đó, khu này có giá trung bình khoảng 400 triệu đồng/m2 với đất mặt đường và giá này ngang ngửa với giá đất hiện tại ở các khu phố trung tâm của các quận nội đô Hà Nội.
|
|
Bên cạnh đó, lượng tin rao bán, nhà đất ăn theo thông tin huyện Đông Anh sắp quy hoạch thành thành phố trên các website và mạng xã hội cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Thậm chí người đăng bài và môi giới còn khẳng định nếu không nhanh tay xuống tiền mua đất ở huyện này thì vài năm tới sẽ tiếc “đứt ruột” vì không còn đất mà mua. Mặc dù vậy, nhiều môi giới khẳng định số lượng giao dịch thành công thời gian này rất ít.
|
|
Trao đổi với Tiền Phong, kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng cho rằng dự định đưa 3 huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh thành thành phố mới chỉ là ý tưởng, chủ trương cho nên trong quá trình thực hiện chính quyền Hà Nội cần có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ cũng như phải có lộ trình nếu không sẽ tạo nên cơn “sốt đất ảo” đối với các khu vực kể trên.
Do đó KTS Phạm Thanh Tùng khuyến nghị người dân phải bình tĩnh trước những thông tin quy hoạch đi trước. Bởi nếu đầu tư ăn theo thông tin quy hoạch sẽ tạo nên cơn “sốt đất” ảo và cuối cùng người dân chính là đối tượng chịu thiệt thòi nhất.
Copy Link
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu