Nghi con trai thảm sát bố mẹ và em gái ở Bắc Giang: Đau xót tình thân
Nghi con trai thảm sát bố mẹ và em gái ở Bắc Giang: Đau xót tình thân
Chuyên gia pháp lý cho rằng, sự việc nghi con trai ra tay thảm sát bố mẹ và em gái ở Bắc Giang khiến nhiều người đau xót cho tình thân, máu mủ.
Công an tỉnh Bắc Giang vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai, Công an huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai bắt giữ được đối tượng Trần Văn Hiếu (là đối tượng gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng giết bố, mẹ đẻ và em gái xảy ra ngày 22/10/2021 tại thôn Tuấn Mỹ, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang) tại xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).
Trước đó, trưa 22/10, người dân thôn Tuấn Mỹ, xã Tân Thịnh (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) phát hiện ông Trần Đình Luật (72 tuổi, bố Hiếu), bà Bùi Thị Thoa (72 tuổi, mẹ Hiếu) và chị Trần Thị Thảo (45 tuổi, em của Hiếu) bị sát hại tại nhà riêng.
Sau khi gây án, Hiếu lấy xe máy của bố bỏ trốn. Vụ việc được trình báo đến cơ quan chức năng. Ngay sau đó, Công an tỉnh Bắc Giang huy động toàn bộ lực lượng các phòng nghiệp vụ, công an các huyện và đề nghị các tỉnh lân cận phối hợp, truy bắt nghi phạm.
Hiện trường xảy ra vụ án (Ảnh: TL)
Đánh giá về sự việc dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, nhiều người sẽ rất sốc khi nhìn thấy 3 nạn nhân bị sát hại nằm la liệt ở cổng và ở sân và khi biết nghi phạm số một trong vụ án này lại chính là con trai của nạn nhân.
Với dấu hiệu nạn nhân bị sát hại thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy hung thủ gây án chính là con trai, là anh trai của nạn nhân thì đây là một vụ việc hết sức đau xót, đối tượng sẽ được xác định là “nghịch tử”. Đây không những là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nghiêm trọng mà còn là hành vi vi phạm đạo đức xã hội, đối tượng sẽ phải nhận một bản án thích đáng của pháp luật.
Đối tượng này sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như giết nhiều người, hành vi có tính chất côn đồ, giết người mà người phạm tội có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng… Khung hình phạt được quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 là phạt tù từ 12 năm, đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đối với những vụ án giết người mà đối tượng manh động, tàn nhẫn như thế này, hậu quả nhiều người tử vong thì đối tượng rất khó có thể thoát khỏi mức án cao nhất là tử hình.
Trường hợp kết quả tố tụng cho thấy đối tượng gây án chính là Hiếu, người đã sát hại cha mẹ và em gái của mình thì đó là một thảm án vô cùng đau xót. Câu chuyện này sẽ ám ảnh đối với nhiều người nơi đây và những người chứng kiến hiện trường vụ án.
Nghi phạm Trần Văn Hiếu (Ảnh: CA)
“Trong các vụ án mạng nhiều người tử vong như vậy thì nguyên nhân thường là do mâu thuẫn rất căng thẳng giữa đối tượng gây án đối với các nạn nhân; có thể là một vụ cướp tài sản; một hành động trả thù của những đối tượng tàn nhẫn, máu lạnh hoặc cũng có thể do đối tượng tâm thần, mất khả năng nhận thức gây ra… cơ quan điều tra, làm rõ nguyên nhân sự việc là để xác định sự thật, nguyên nhân động cơ là những yếu tố phát sinh, thúc đẩy đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, làm cơ sở chứng minh tính chất khách quan, logic của các chứng cứ để xác định hung thủ gây án”, Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Ngoài ra, nguyên nhân, điều kiện phạm tội cũng là yếu tố cần làm rõ để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm. Bên cạnh việc xử lý đối với các đối tượng gây án thì cơ quan tố tụng sẽ có những tổng kết thực tiễn, kiến nghị để hoàn thiện chính sách hình sự và bổ sung các quy định của pháp luật nhằm loại bỏ nguyên nhân, điều kiện phạm tội, để đấu tranh với tình hình phạm tội, thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm.
Thực tiễn giải quyết những vụ án hình sự trong thời gian gần đây cho thấy hiện tượng huynh đệ tương tàn, con cái sát hại cha mẹ thường là do các đối tượng tâm thần, các đối tượng nghiện ma túy bị ảo giác gây ra hoặc do những nguyên nhân mâu thuẫn rất trầm trọng, kéo dài trong gia đình mà không có hướng giải quyết tích cực.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ vấn đề này để xác định nguyên nhân, điều kiện phạm tội. Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nạn nhân có bị mất mát tài sản gì không để xác định nguyên nhân động cơ sự việc có phải là một vụ cướp tài sản hay tranh chấp tài sản dẫn đến mất khả năng kiểm soát về hành vi hay không.
Theo chuyên gia pháp lý này, trường hợp có căn cứ cho thấy hung thủ chính là đối tượng Hiếu – con của các nạn nhân, đối tượng đã có tiền án về tội cố ý gây thương tích đối với vợ mình và vừa mới chấp hành xong bản án cố ý gây thương tích thì điều này cho thấy đối tượng này có vấn đề về tâm thần hoặc thiếu chuẩn mực về đạo đức khi liên tục xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của những người thân yêu nhất (cha, mẹ, vợ, em gái).
“Nguyên nhân sự việc cũng có thể là sự trả thù do những mâu thuẫn trước khi đối tượng này thụ án. Vụ việc cũng cho thấy công tác thi hành án hình sự trong trường hợp này đã không đạt hiệu quả”, Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.
Sau khi gây án, nghi phạm dùng xe máy bỏ trốn khỏi hiện trường.
Mục đích của hình phạt là để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Sau khi chấp hành án thì đối tượng sẽ trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội, khi trở về với xã hội sẽ chấp hành chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước, sẽ tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác và tôn trọng các quy tắc cộng đồng.
Khi bị cáo chấp hành xong hình phạt thì bị cáo phải nhận thức được những sai phạm của mình, được giáo dục về pháp luật, về đạo đức để khi trở về với đời sống xã hội không còn nguy hiểm nữa. Tuy nhiên đối tượng vừa mới ra tù đã gây án cho thấy thất bại trong công tác giáo dục đối với các đối tượng này.
Thực tiễn cho thấy, trong một số vụ án hình sự có một số đối tượng bị mắc bệnh tâm thần làm rối loạn cảm xúc, hạn chế khả năng nhận thức, dễ bị kích động và không kiểm soát được hành vi.
Đối với những đối tượng đó thì việc giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật sẽ không mang lại hiệu quả tích cực mà phải có những biện pháp can thiệp bằng y tế, áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh để sau khi thực hiện xong các chế tài, các biện pháp hành chính thì đối tượng trở về với đời sống xã hội mới không còn nguy hiểm nữa.
“Vụ án này sẽ có nhiều vấn đề cần phải làm rõ để xử lý tội phạm cũng như để thực hiện tốt hơn công tác phòng ngừa tội phạm trong thời gian tới”, Luật sư Đặng Văn Cường nói.