Thông tin bùng phát dịch bệnh mới ở Trung Quốc liệu có đúng?
![](https://xaydungtoday.vn/wp-content/uploads/2025/02/thong-tin-bung-phat-dich-benh-moi-o-trung-quoc-lieu-co-dung5.jpg)
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) vừa có báo cáo nhanh về các trường hợp mắc bệnh do virus gây viêm phổi ở người (Human Metapneumovirus – HMPV) tại Trung Quốc. Theo đó, những ngày gần đây, hệ thống giám sát dựa vào sự kiện ghi nhận thông tin từ các kênh truyền thông báo chí và mạng xã hội về các trường hợp mắc bệnh do virus gây viêm phổi ở người (Human Metapneumovirus – HMPV) tại Trung Quốc.
Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trước đó một số trang thông tin điện tử nước ngoài đưa tin về một đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều ca mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người và nhận định dịch bệnh lây lan nhanh với triệu chứng tương tự như cúm, COVID-19. Đồng thời, một số trang thông tin này bày tỏ lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.
Bên cạnh đó, nhiều hình ảnh về tình trạng quá tải tại các bệnh viện ở Trung Quốc do các trường hợp nhiễm virus Human Metapneumovirus (HMPV) và thông tin về việc công bố tình trạng khẩn cấp hay việc quá tải các lò hoả tảng cũng được chia sẻ trên mạng xã hội.
Ngay sau khi ghi nhận các thông tin trên, ông Hoàng Minh Đức cho biết, Cục Y tế dự phòng đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, tại khu vực châu Á Thái Bình Dương và Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) của Trung Quốc (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc).
Theo đó, đến thời điểm hiện tại, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có thông tin chính thức về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, đồng thời chưa xác minh được độ tin cậy và tính chính thống của thông tin trên các kênh truyền thông báo chí và mạng xã hội như trên.
![](https://vietq.vn/Images/thanhhien/2025/02/06/viem-duong-ho-hap-tren-3800x444-1634828374332893734715-1700794270008826281606-17360692974491471249194.jpg)
Bộ Y tế thông tin virus gây viêm phổi trên người tại Trung Quốc.
Báo cáo kết quả giám sát trọng điểm các bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp trong tuần 52 năm 2024 của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc cũng cho thấy, các mẫu bệnh phẩm thu thập từ khoa khám bệnh ngoại trú và khoa cấp cứu của các bệnh viện ghi nhận các tác nhân chủ yếu là virus cúm, human metapneumovírus (HMPV) và rhovirus; các mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng phải nhập viện ghi nhận các tác nhân chủ yếu là virus cúm, Mycoplasma pneumoniae và human metapneumovirus (HMPV).
Trước đó, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin, Hệ thống giám sát dựa vào sự kiện tại Việt Nam ghi nhận các thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản. Theo dữ liệu công bố của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ 2/9/2024 đến 26/1/2025 tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 ghi nhận hơn 317.000 trường hợp mắc cúm. Tokyo, Hokkaido, Osaka và Fukuoka là các khu vực bị ảnh hưởng nhất của đợt bùng phát dịch cúm mùa hiện do đông dân cư và có nhiểu điểm du lịch, tập trung đông người.
Bộ Y tế cho biết đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
– Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
– Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
– Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
– Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
– Tiêm vắc xin cúm mùa vì đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mọi người nên tiêm phòng cúm hàng năm.
Thanh Hiền (t/h)