Bình nóng lạnh nên mở cả ngày hay khi cần mới bật?
Bình nóng lạnh nên mở cả ngày hay khi cần mới bật?
Mùa đông là thời kỳ cao điểm sử dụng bình nóng lạnh nhưng người dùng cũng nên chú ý để không phạm những sai lầm gây tốn điện hoặc nguy hiểm.
Vào mùa rét, bình nóng lạnh trong các gia đình đều tăng công suất hoạt động. Tuy nhiên, một số thói quen sai lầm khi sử dụng bình nóng lạnh khiến tiền điện vào mùa đông tăng chóng mặt, thậm chí gây ảnh hưởng sức khỏe, làm tăng nguy cơ cháy nổ.
Bình nóng lạnh nên bật khi cần hay để 24/24?
Nhiều gia đình có thói quen để bình nóng lạnh bật 24/24 giờ. Về cơ bản, bình nóng lạnh luôn ở trong trạng thái hoạt động và được cấp điện liên tục. Ưu điểm của việc này là luôn có sẵn nước nóng trong nhà, rất tiện lợi cho việc sử dụng.
Mặc dù lượng điện để làm nóng lượng nước đủ sử dụng không quá nhiều nhưng nếu thiết bị ở trạng thái bật cả ngày, hóa đơn tiền điện chắc chắn sẽ tăng cao.
Bình nóng lạnh làm nóng nước giống như ấm điện đun nước. Khi đạt đến nhiệt độ nhất định, rơ le nhiệt của bình sẽ tự ngắt. Tuy nhiên, bình nước sẽ nguội từ từ nếu không được sử dụng. Nếu không tắt công tắc, khi nước nguội, bình sẽ đóng điện trở lại để làm nóng nước. Quá trình này lặp đi lặp lại liên tục trong ngày dẫn tới lãng phí điện.
Ngoài việc tiêu tốn nhiều điện năng, việc bình nóng lạnh liên tục đun nước ở nhiệt độ cao sẽ khiến cặn bẩn tích tụ dần. Lâu ngày, bình nóng lạnh sẽ bị đóng một lớp cặn dày khiến hiệu quả làm nóng giảm.
Thậm chí, thói quen bật bình nóng lạnh cả ngày là tác nhân hàng đầu làm mòn lớp cách điện, khiến hệ thống ngắt điện hoạt động không còn hiệu quả, về lâu về dài dễ dấn tới rò điện, rất nguy hiểm.
Vì vậy, nhiều thợ sửa chữa khuyên rằng nên bật bình nóng lạnh khi cần sử dụng. Điều này giúp tiết kiệm điện, giảm chi phí sinh hoạt. Bởi khi bình nóng lạnh tắt, nó sẽ không tiêu thụ điện năng. Nước trong bình cũng sẽ không bị đun nóng liên tục ở nhiệt độ cao. Đồng thời, việc bật/tắt khi cần cũng giúp giảm hao mòn, kéo dài tuổi thọ của bình.
Tuy nhiên, bật bình nóng lạnh khi cần dùng không có nghĩa là chỉ cần bật lên là có thể sử dụng nước nóng ngay. Đôi khi quên bật bình nóng lạnh trước, người dùng sẽ phải chờ một khoảng thời gian dài. Đặc biệt là vào mùa đông, khi khu vực rửa mặt và nhà bếp đều được kết nối với đường ống nước nóng, nếu bình nóng lạnh không hoạt động thì các khu vực khác cũng sẽ không có nước nóng để sử dụng.
Bình nóng lạnh nên để bao nhiêu độ?
Khi điều chỉnh nhiệt độ của bình nóng lạnh, sự an toàn là điều cần cân nhắc hàng đầu. Nhiệt độ quá cao có thể gây bỏng. Khi sử dụng bình nóng lạnh vào mùa đông, tốt nhất nên đặt nhiệt độ từ 45 – 50 độ C. Đây là mức nhiệt phù hợp nhất với cơ thể con người, đồng thời cũng tiết kiệm năng lượng nhất. Trung bình, cứ tăng 10 độ, mức tiêu thụ năng lượng sẽ tăng khoảng 15%.
Bên cạnh đó, việc đun nước nóng ở nhiệt độ quá cao trong thời gian dài còn làm giảm tuổi thọ của thiết bị, tạo nhiều cặn trong bình nóng lạnh, ảnh hưởng đến an toàn của người dùng. Theo đó, nếu nhiệt độ tăng thêm 5°C, quá trình tạo cặn được đẩy nhanh hơn. Điều này gây lãng phí điện và thời gian, đồng thời cũng phù hợp với một số người bị dị ứng da.
Đối với những thiết bị không có chế độ cài nhiệt độ, lời khuyên đó là nên bật bình vào khoảng thời gian 15 – 30 phút trước khi sử dụng, tùy vào dung tích bình. Khi sử dụng bình nóng lạnh, nên tắt bình để phòng tránh rủi ro rò điện.
Bao lâu nên vệ sinh bình nóng lạnh một lần?
Một số gia đình chưa bao giờ vệ sinh bình nóng lạnh kể từ khi bắt đầu sử dụng. Nếu lâu ngày không được làm sạch, cặn bám trong bình sẽ ngày càng nhiều, không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ làm nóng, tốc độ nước, tăng hóa đơn tiền điện mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nước, gây hại cho sức khỏe làn da.
Các nhà sản xuất thường khuyến cáo kiểm tra bình nóng lạnh 3 tháng một lần. Trong mùa đông, khi tần suất sử dụng cao hơn, người dùng có thể kiểm tra bình hàng tháng để đảm bảo an toàn cho cả gia đình.