Ô nhiễm không khí tại Hà Nội tác động xấu tới sức khỏe con người dự báo còn kéo dài
Trong những ngày gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang ở mức báo động. Đặc biệt, từ ngày 6 đến 8 tháng 1/2025, dự báo mức độ ô nhiễm sẽ đạt ngưỡng rất xấu, gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người.
Thủ đô Hà Nội, cùng với các tỉnh như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương và Thái Bình, tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ tình trạng ô nhiễm. Trong đó tại một số khu vực như Thái Nguyên, Hưng Yên và Thái Bình, chỉ số ô nhiễm đã đạt ngưỡng “rất xấu”, gây ra những tác hại lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
Dựa trên dữ liệu từ các hệ thống theo dõi chất lượng không khí như của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại sứ quán Mỹ và PAM Air, Hà Nội đã ghi nhận chỉ số ô nhiễm cao nhất những ngày gần đây. Cụ thể sáng 3/1, Hà Nội đứng đầu bảng xếp hạng ô nhiễm không khí do hệ thống theo dõi chất lượng không khí toàn cầu Air Visual ghi nhận. Các hệ thống quan trắc trong nước cũng ghi nhận ô nhiễm ở ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu – rất có hại cho sức khoẻ con người).
Ô nhiễm không khí bao trùm thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ảnh minh họa
Sáng ngày 4/1, Hà Nội tiếp tục là thành phố có chất lượng không khí rất xấu, một số điểm cảnh báo ngưỡng màu nâu – mức cực kỳ nguy hại cho sức khỏe như ở Tây Hồ có chỉ số AQI là 358, hàng loạt các điểm đo khác có chỉ số ô nhiễm đều trên 200. Vào sáng ngày 5/1, Hà Nội đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Dhaka (Bangladesh) và Baghdad (Iraq).
Mức độ ô nhiễm ở thành phố này thậm chí còn vượt qua các thành phố thường xuyên chịu ô nhiễm nghiêm trọng như Delhi (Ấn Độ) và Karachi (Pakistan). Điều đáng lo ngại là ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các khu vực lân cận có thể kéo dài từ 3-4 ngày, với đỉnh điểm vào ngày 6 và 7 tháng 1.
Mặc dù gió mùa Đông Bắc có thể giúp giảm thiểu ô nhiễm vào khoảng ngày 9-10 tháng 1, nhưng nguy cơ ô nhiễm tái diễn vào các ngày sau đó vẫn rất cao. Những đợt ô nhiễm kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là những người có tiền sử bệnh tim mạch, hô hấp, trẻ em, phụ nữ mang thai và người già.
Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm không khí, theo các chuyên gia là do giao thông và xây dựng. Cuối năm thường là dịp mà các công trường ở Hà Nội tăng tốc để về đích đúng tiến độ. Tuy nhiên, do không che chắn cẩn thận và tập kết vật liệu xây dựng bừa bãi, những công trường này đang tạo ra một lượng bụi rất lớn, gây ô nhiễm không khí trầm trọng cho Thủ đô.
Tác hại từ ô nhiễm không khí
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Ở Việt Nam, ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, chủ yếu là các bệnh đường hô hấp, bệnh tim mạch và ung thư phổi.
Hệ quả của ô nhiễm không khí là những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như hen suyễn, viêm phổi, đột quỵ, suy tim và ung thư phổi. Chuyên gia y tế khuyến cáo, cần phải đối xử với ô nhiễm không khí như một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, tương tự như cách mà chúng ta đã làm đối với đại dịch Covid-19.
Khi Việt Nam đối mặt với ô nhiễm không khí trong nước, những nguy cơ về dịch bệnh từ bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, cũng không thể lơ là. Bệnh phổi không rõ nguyên nhân tại Trung Quốc có thể là một lời cảnh báo về các bệnh dịch mới hoặc sự tái phát của các dịch bệnh nguy hiểm.
Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, trong khi đó, dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng trên diện rộng và dễ dàng lây lan qua các biên giới. Thêm vào đó, các yếu tố môi trường, như sự ô nhiễm từ các chất khí và vi khuẩn trong không khí, có thể tạo ra một môi trường thuận lợi cho các virus và vi khuẩn sinh sôi, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Để đối phó với các mối lo từ ô nhiễm không khí và nguy cơ dịch bệnh, trao đổi với phóng viên, theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam cần phải thực hiện những biện pháp đồng bộ như tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Chính phủ cần có các chính sách mạnh mẽ để kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm không khí. Các biện pháp như phát triển giao thông công cộng, kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông và các nhà máy công nghiệp, chuyển đổi sang năng lượng sạch cần được triển khai nhanh chóng.
Việt Nam cần nâng cao hệ thống giám sát y tế và dự báo dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lý mới như viêm phổi không rõ nguyên nhân. Đồng thời, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giám sát sức khỏe cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Cung cấp thông tin cho người dân về nguy cơ ô nhiễm không khí và cách bảo vệ sức khỏe, cũng như việc phòng ngừa và phát hiện sớm các bệnh hô hấp. Các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, sử dụng máy lọc không khí, và hạn chế ra ngoài khi có cảnh báo ô nhiễm cần được phổ biến rộng rãi.
Người dân cần hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời và vận động mạnh. Nên thực hiện các hoạt động trong nhà hoặc hạn chế di chuyển khi không cần thiết. Đối với những người nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và người mắc bệnh tim mạch, hô hấp, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với không khí ô nhiễm. Bên cạnh đó, khi ra ngoài, đặc biệt trong những ngày ô nhiễm nặng, người dân nên đeo khẩu trang chống bụi mịn (PM2.5), có khả năng ngăn ngừa các hạt bụi nhỏ, độc hại xâm nhập vào cơ thể.
Ngoài việc bảo vệ bản thân khi ra ngoài, người dân cần chú trọng đến việc vệ sinh cơ thể và không gian sống. Sau khi ra ngoài, hãy vệ sinh mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý để loại bỏ bụi bẩn và chất ô nhiễm. Trong nhà, nên thường xuyên dọn dẹp và đảm bảo thông thoáng không gian sống, hạn chế bụi bẩn tích tụ. Một trong những biện pháp quan trọng khác là lựa chọn phương tiện giao thông hợp lý.
An Dương (T/h)