Nghĩa Sơn xứng danh nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về chuyển đổi số
Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định – Ảnh: Hồ Thanh
Nghĩa Sơn là xã miền trung của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) có chiều dài 9 km dọc theo hai bờ sông Đáy, sông Ninh Cơ với tổng diện tích đất tự nhiên gần 1.526 ha, chia thành 12 xóm. Từ năm 2013 Nghĩa Sơn đã vinh dự là một trong 9 xã được UBND tỉnh Nam Định cấp bằng công nhận xã cơ bản đạt chuẩn NTM. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Nghĩa Sơn tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020. Hướng tới mục tiêu xây dựng NTM bền vững, Ban chấp hành đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề, kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng NTM; UBND xã xây dựng kế hoạch thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã xác định rõ xây dựng NTM kiểu mẫu là vinh dự, trách nhiệm nhưng cũng là một thách thức. Vì vậy, lãnh đạo xã luôn trăn trở, bàn bạc kỹ lưỡng, có kế hoạch triển khai cụ thể từng nội dung công việc, hoàn thiện từng tiêu chí gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Đồng chí Trần Ánh Dương, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định bộc bạch: Thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, Nghĩa Sơn đã thành công trong việc lựa chọn lĩnh vực nổi trội là chuyển đổi số, xây dựng mô hình thôn xóm thông minh. Để hoàn thành mục tiêu này, hơn 3 năm qua Nghĩa Sơn đã xác định rõ cần thực hiện tốt ba trụ cột trong chuyển đổi số gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết những năm qua lãnh đạo xã Nghĩa Sơn đặc biệt chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và chuyển đổi số cho cán bộ, công chức. UBND xã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại 12/12 xóm trên địa bàn, chọn xóm 2, xóm 3 để xây dựng mô hình xóm thông minh; hỗ trợ mỗi gia đình có ít nhất một người sử dụng thành thạo các ứng dụng trên điện thoại thông minh để hướng dẫn các thành viên cùng thực hiện. Các trưởng xóm kiêm tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng đều thiết lập kênh giao tiếp với người dân trong xóm qua mạng xã hội như Zalo, Mocha…để tuyên truyền, trao đổi, tiếp nhận phản ánh, kết quả giải quyết công việc ngay từ cấp cơ sở. Đến thời điểm hiện tại 100% cán bộ, công chức xã Nghĩa Sơn đều được cấp tài khoản, sử dụng phần mềm trong xử lý công việc; 100% văn bản đi và đến của xã đều được xử lý trên môi trường mạng. Tỷ lệ người dân được bồi dưỡng, tập huấn, phổ biến kiến thức về kỹ năng số, tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng di động và dịch vụ trực tuyến không ngừng được nâng cao. Các thủ tục hành chính đủ điều kiện đều được giải quyết ở mức độ 4 trên cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Nam Định. Trong phát triển kinh tế, Nghĩa Sơn định hướng đưa công nghệ thông tin, các tiến bộ khoa học áp dụng vào quy trình sản xuất, thực hiện quản lý chặt từ khâu nhập khẩu giống, tổ chức sản xuất đến bán hàng.
Việc quảng bá thương hiệu các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại địa phương được thực hiện rộng rãi trên các kênh truyền thông, truyền hình, mạng xã hội. Các sản phẩm tiêu biểu của người dân như: Chiếu cói, gạo nếp, nước mắm, miến phở khô, tép đồng khô, mướp đắng khô, ngũ cốc ăn liền được giới thiệu, bán hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee. Các xóm đều lắp đặt Wifi miễn phí phục vụ mọi người dân tại Nhà văn hóa xóm, đường truyền kết nối Internet băng thông rộng tốc độ từ 100 Mbps, bảo đảm kỹ thuật, an toàn, an ninh thông tin.
Âu tàu Nghĩa Hưng tại xã Nghĩa Sơn là kênh đào có âu tàu lớn nhất cả nước, người dân thường ví là “Kênh đào Panama thu nhỏ” của Việt Nam góp phần tạo nên cảnh quan hiện đại, đẹp mắt, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân trên tuyến giao thông đường thủy – Ảnh: Hồ Thanh
Cùng với lĩnh vực nổi trội là chuyển đổi số, NTM kiểu mẫu ở Nghĩa Sơn hôm nay là diện mạo một vùng quê khang trang, xanh, sạch, đẹp. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch, tiệm cận với đô thị hiện đại. Trình độ thâm canh sản xuất của nông dân được chuyên nghiệp hóa theo hướng kinh tế số, sản xuất các sản phẩm sạch, hữu cơ, công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Đồng thời khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Nghĩa Sơn đều được cải thiện nâng cao. Thời điểm tháng 12-2023, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 83,9 triệu đồng/năm. Năm 2024 xã Nghĩa Sơn đã đáp ứng đầy đủ 4/4 điều kiện công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định tại mục 1 Điều 4 Quyết định 18/TTg ngày 2-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 7-11-2024 Nghĩa Sơn đã được UBND tỉnh Nam Định ban hành quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực chuyển đổi số. Cán bộ, nhân dân xã Nghĩa Sơn rất vinh dự, tự hào khi trở thành điểm sáng của huyện Nghĩa Hưng, của tỉnh Nam Định trong phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Nguồn: hoanhap.vn