Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 121/CĐ-TTg về việc tiếp tục kích cầu tiêu dùng nội địa – một giải pháp quan trọng trong bối cảnh sức cầu trong nước chậm phục hồi, ảnh hưởng tới động lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Khiêm (trú tại tập thể Viện Sốt rét – Ký sinh trùng Trung ương, Hà Nội) cho biết với mức lương 6 triệu mỗi tháng, ông chỉ có thể chọn những mặt hàng cần thiết, và thường mua sắm vào những đợt siêu thị khuyến mãi. 

Xu hướng chọn các sản phẩm khuyến mãi để mua được nhiều hơn với chi phí hợp lý không chỉ xuất hiện ở các cá nhân có thu nhập thấp như ông Khiêm mà còn phổ biến ở nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Một người tiêu dùng cho hay, người này thường mua các nhu yếu phẩm trên các sàn thương mại điện tử do có nhiều ưu đãi về giá cả sản phẩm lẫn chi phí vận chuyển, và thường mua thực phẩm cho một tuần.

Mặc dù người tiêu dùng giảm tần suất mua sắm, nhưng họ lại có xu hướng chi tiêu tập trung hơn trong mỗi lần mua sắm, đồng thời tận dụng nhiều kênh mua hàng khác nhau để mua được hàng hóa chất lượng với giá thành thấp hơn. Điều này gây thách thức lớn cho các nhà bán lẻ trong việc duy trì số lượng khách hàng, khi mà người mua dễ dàng chuyển đổi giữa các nền tảng và lựa chọn dựa trên giá cả ưu đãi.

Các mặt hàng trên sàn thương mại điện tử thường có giá cả ưu đãi (Ảnh: Trần Linh)

Kinh tế khó khăn đang tạo áp lực mạnh mẽ lên thị trường bán lẻ Việt Nam. Dù nhiều siêu thị tung ra chương trình khuyến mãi sâu và liên tục, nhưng sức mua vẫn thấp. Sự chần chừ trong chi tiêu phản ánh rõ sự lo ngại về tình hình tài chính và thu nhập của người tiêu dùng trong tương lai gần.

Ông Lê Văn Liêm – Giám đốc khu vực miền Bắc của Liên hiệp HTX Thương mại TP. HCM – đã đề xuất nhà nước hỗ trợ nguồn vốn để tập trung sản xuất. Ngoài ra, những nhà bán lẻ cũng cần phối hợp với nhau để chia sẻ lợi nhuận.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nhu cầu tiêu dùng tăng nhưng chưa thể hồi phục như trước. Xác định khuyến mãi đóng vai trò quan trọng trong kích thích tiêu dùng, các hệ thống bán lẻ đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi từ 10% đến 50% cho các nhóm hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng sự tăng trưởng đột biến.

Theo thống kê, mức tăng 8,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được đánh giá là thấp so với mức trước dịch trên 10%. Điều này phản ánh sự phục hồi chậm của nhu cầu tiêu dùng nội địa, tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp bán lẻ khi họ phải cân đối chi phí trong khi nhu cầu tiêu dùng chưa thực sự trở lại.      

Theo chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Võ Trí Thành, hiện, mức tăng tiêu dùng của khách nội địa giảm nhanh. Vì vậy, dưới góc độ chính sách, bên cạnh thu hút khách du lịch, cũng rất cần các chính sách kích cầu nội địa như giảm thuế, hỗ trợ nhóm lao động dễ bị tổn thương, hỗ trợ bên cung như nhà máy, xí nghiệp, công ty. 

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị xây dựng Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025, trong đó sẽ giảm 2% thuế suất VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10% nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước. Năm 2023, việc giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng cuối năm 2023 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm theo sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết, không để xảy ra thiếu hàng, sốt hàng, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra các chương trình khuyến mãi, vừa giảm hoặc miễn phí vận chuyển, vừa giảm giá bán của sản phẩm, tạo điều kiều kiện tốt nhất cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Chính phủ cần đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân (Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân)

Nhằm khơi thông thị trường trong nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích tiêu dùng, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất trong nước có thế mạnh còn năng lực sản xuất và thị trường trong nước có nhu cầu. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa, tổ chức các chương trình khuyến mại trên phạm vi vùng và toàn quốc, phối hợp với các địa phương tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, phân phối các sản phẩm OCOP, đưa hàng hóa đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp để kích cầu tiêu dùng.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích