Nhiều sai phạm bị phát hiện tại Bộ Giáo dục

Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận Thanh tra ngày 7/12/2024. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ)

Kết luận thanh tra có nhiều nội dung.

Đối với việc ứng dụng công nghệ, số hóa dữ liệu Bộ GD&ĐT thực hiện chậm và chưa đầy đủ các quy định về ứng dụng công nghệ trong giải quyết TTHC và CCDVC. Chưa có TTHC nào được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP hoặc dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP. Việc giải quyết trực tuyến chưa thực chất, khi người dân và doanh nghiệp vẫn phải nộp hồ sơ bản giấy. Hệ thống kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác chưa đáp ứng yêu cầu.

Việc tổ chức bộ phận một cửa (BPMC) tại Bộ GD&ĐT còn nhiều bất cập. Người đứng đầu BPMC không công khai đầy đủ danh mục TTHC, không báo cáo lãnh đạo Bộ về hồ sơ quá hạn, và có trường hợp tiếp nhận, trả kết quả sai địa điểm. Công chức không thực hiện nhiệm vụ thường xuyên tại BPMC, và không có biện pháp xin lỗi người dân khi để xảy ra quá hạn giải quyết TTHC.

Về báo cáo kết quả giải quyết hồ sơ, Bộ GD&ĐT đã báo cáo không chính xác về kết quả giải quyết hồ sơ TTHC. Mặc dù báo cáo định kỳ gửi Chính phủ cho thấy tỷ lệ giải quyết đúng hạn là 100%, nhưng thực tế có 419 hồ sơ quá hạn trong số 10 TTHC được thanh tra, trong đó có 3 thủ tục hành chính có tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn trên 50%.

Việc yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ giấy tờ ngoài danh mục thành phần hồ sơ quy định (34 hồ sơ) đã gây bức xúc, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp phải đi lại, giải trình, bổ sung nhiều lần, tiềm ẩn nguy cơ sách nhiễu. Hình thức yêu cầu không đúng quy định (332 hồ sơ); thời gian yêu cầu bổ sung hồ sơ vượt quá thời gian quy định (03 hồ sơ); yêu cầu bổ sung hồ sơ khi đã hết thời hạn nộp hồ sơ dự tuyển (39 hồ sơ)…

Về quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ, Bộ GDĐT đã buông lỏng công tác quản lý, để sai phạm kéo dài trong hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài. Cơ quan này cho biết từ tháng 8/2018 đến tháng 9/2022, nhiều đơn vị liên kết đã tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, dù chưa được cấp phép. Là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã buông lỏng, chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời sai phạm cũng như chấn chỉnh, xử lý, gây bức xúc trong xã hội.

Nghị định 86/2018 của Chính phủ (có hiệu lực tháng 8/2018) quy định việc liên kết đào tạo và tổ chức cấp chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Tuy nhiên, đến tháng 7/2022, Bộ mới ra thông tư hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị làm đề án, trình Bộ xem xét, hạn trong gần hai tháng. Nhiều bên không kịp nên phải đồng loạt dừng tổ chức thi IELTS, TOEFL (tiếng Anh), HSK (tiếng Trung), TOPIK (tiếng Hàn), NAT- TEST (tiếng Nhật).

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn tiếp thu kết luận thanh tra và cho biết sẽ tổ chức thực hiện nghiêm các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: P.H)

Căn cứ Kết luận Thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT thực hiện kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT trực tiếp liên quan đối với những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý nhà nước và việc giải quyết TTHC, CCDVC cho người dân, doanh nghiệp.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường hi vọng, những hạn chế, tồn tại, kiến nghị được nêu tại Kết luận thanh tra sớm được các đơn vị khắc phục, chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong cơ chế chính sách nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tại các bộ, ngành, địa phương đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích