Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030
(Xây dựng) – Ngày 29/10/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1281/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch).
Tập trung phát triển các khu vực ven biển thuộc Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi trở thành vùng động lực miền Trung của cả nước. (Ảnh: TM) |
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của quy hoạch đã đề ra.
Xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh hỗ trợ việc chuyển đổi và phát triển của các ngành, các tiểu vùng, các địa phương trong vùng theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Thiết lập khung kết quả thực hiện theo từng giai đoạn làm cơ sở để rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch; xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra.
Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng có lợi thế
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch là đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế của vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng có lợi thế, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp chế biến và một số ngành công nghiệp mới; tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước.
Phát triển logistic theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; hình thành các trung tâm logistic gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu.
Phát triển ngành nông nghiệp của vùng theo hướng sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao.
Phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, nhất là các ngành về dịch vụ, công nghiệp, du lịch biển, kinh tế hàng hải; phát triển các đô thị ven biển gắn kết hài hòa với khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; phát triển ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản đi đôi với bảo vệ môi trường biển; phát triển công nghiệp ven biển và ngoài khơi.
Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh
Nhiệm vụ trọng tâm khác của Kế hoạch là hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hoàn thành xây dựng, mở rộng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông trên địa bàn vùng theo quy chuẩn; phát triển các tuyến đường bộ cao tốc kết nối Đông – Tây, kết nối các cảng biển đặc biệt, cảng hàng không quốc tế với các địa phương vùng Tây Nguyên và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, vương quốc Campuchia.
Hoàn thành kết nối tuyến đường bộ ven biển tại các địa phương trong vùng, tạo vành đai bảo vệ bờ biển, đồng thời thúc đẩy liên kết, phát triển đô thị, dịch vụ và du lịch.
Phát triển đường sắt trong vùng theo hướng ưu tiên các tuyến đường sắt kết nối các đô thị lớn với các ga đường sắt quốc gia, đặc biệt các ga đường sắt tốc độ cao trong vùng; một số tuyến đường sắt kết nối giữa cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng cạn, trung tâm logistic, cửa khẩu quốc tế với mạng lưới đường sắt quốc gia để sớm hình thành mạng đường sắt vận tải hành khách và hàng hóa, nâng cao hiệu quả vận tải trong vùng.
Từng bước đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, ưu tiên đoạn qua địa bàn vùng thuộc đoạn tuyến Hà Nội – Vinh và Nha Trang – Thành phố Hồ Chí Minh…
Phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam, các hành lang kinh tế Đông – Tây
Tập trung phát triển vùng động lực miền Trung, phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam, các hành lang kinh tế Đông – Tây.
Trong đó, phát triển tiểu vùng Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị) trở thành khu vực tăng trưởng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ, đô thị biển của vùng và cả nước.
Tập trung phát triển các khu vực ven biển thuộc Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi trở thành vùng động lực miền Trung của cả nước, trong đó thành phố Đà Nẵng là cực tăng trưởng quốc gia, Quảng Nam là trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ, Thừa Thiên – Huế là trung tâm công nghiệp văn hóa, khoa học và công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, dịch vụ cảng biển, thương mại, tài chính tầm quốc tế cao, Quảng Ngãi là trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng, trung tâm du lịch biển đảo, Bình Định là trung tâm công nghiệp công nghệ thông tin, dịch vụ và du lịch, trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển.
Phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận) trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng, dịch vụ du lịch, đô thị ven biển của cả nước. Xây dựng Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại tỉnh Ninh Thuận.
Phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam phía Đông (đoạn từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) trên cơ sở đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam và đường sắt tốc độ cao trong tương lai.
Phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam phía Tây (đoạn từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi) nhằm thúc đẩy phát triển, liên kết vùng, gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh.
Phát triển các hành lang kinh tế Đông – Tây: Cầu Treo – Vũng Áng, Lao Bảo – Đông Hà – Đà Nẵng, Bờ Y – Pleiku – Quy Nhơn.
Nguồn: Báo xây dựng