Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh- mục tiêu hàng đầu giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường nước thải ngày càng nghiêm trọng
Đối với cuộc sống ngày càng phát triển, ô nhiễm môi trường được xem là một vấn đề cần phải giải quyết cấp bách và ngăn chặn kịp thời. Bởi ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, làm thay đổi các tính chất vật lý, sinh học, hóa học… Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến các sinh vật tự nhiên và sức khỏe con người.
Ô nhiễm môi trường chủ yếu bắt nguồn từ các hoạt động sinh hoạt và phát triển kinh doanh của con người. Trong đó, ô nhiễm môi trường nước là một trong những hình thức ô nhiễm nghiêm trọng đến con người và thật sự đáng lo ngại.
Có nhiều hình thức ô nhiễm môi trường khác nhau. Có thể kế đến như ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí, ô nhiễm ánh sáng… Và ô nhiễm môi trường nước chính là một trong những loại ô nhiễm nặng nề và thực trạng nhức nhối nhất hiện nay. Đây là sự biến đổi theo tính chất vật lý – hóa học – sinh học của nước. Sự ô nhiễm này đi theo chiều hướng tiêu cực với sự xuất hiện của các chất lạ ở thể rắn hoặc lỏng, khiến nguồn nước trở nên nguy hiểm và độc hại cho sinh vật và con người. Đã có nhiều dẫn chứng khoa học về mức độ ẩm hưởng của ô nhiễm môi trường nước, bởi xét về tốc độ lan truyền và ảnh hưởng thì ô nhiễm nước chính là vấn đề đáng lO ngại nhất trong các loại ô nhiễm.
Nước bị ô nhiễm đến từ các nguyên nhân như hóa chất. Bên cạnh đó các loại phân bón hóa học thuốc trừ sâu trên thửa ruộng cũng dễ dàng chảy vào nước sông, ngấn qua ao hồ. Một số khác lại đến từ nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư, trạm y tế…đặc biệt các loại chất thải từ các nhà máy và xí nghiệp sản xuất thải trực tiếp ra sông, biển và đại dương mà chưa qua bất kỳ hình thức xử lý nào.
Ô nhiễm môi trường nước đang là mối lo ngại nhất hiện nay. Ảnh minh họa
Chưa kể, toàn bộ chất độc hại trong nước thải còn khiến các loại sinh vật sống trong môi trường nước bị ô nhiễm nặng nề, là nguyên nhân xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ (liên quan đến việc tăng sản xuất các độc tố tự nhiên, sự giảm oxy hòa tan hoặc các tác hại khác).
Dựa vào tài liệu của trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng có thể thấy có đến 70% nước thải từ các khu công nghiệp lớn thải ra môi trường và không qua bất kỳ biện pháp xử lý nào. Ở các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, hoặc nơi tập trung dân cư đông đúc như Bình Dương, Đồng Nai… tại các ao, hồ, kênh, mương cũng sẽ dễ dàng bắt gặp nước sông ngả màu đen, rác thải nổi lềnh bềnh và bông mùi hôi thúi khó chịu. Khi nước thải bị thải ra trực tiếp sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến sinh vật trong khu vực và dần dần ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Việc này đã khiến các con sông chứa nồng độ chất ô nhiễm trong nước vượt qua chuẩn cho phép từ 1.5-3 lần. Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, có đến khoảng 9000 người dân tử vong mỗi năm do ảnh hưởng của nguồn nước bẩn, Khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun do sử dụng nước bị không đạt chất lượng. 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng do thiếu nước sạch và vệ sinh kém Khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen – hay là Arsenic vô cơ lại là một chất hóa học cực độc thường được sử dụng trong việc tạo ra các loại thuốc diệt cỏ và các loại thuốc trừ sâu.
Cần đặt ra mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế
TS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Trưởng bộ môn Luật quốc tế, khoa Luật, Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hiện tượng gây ô nhiễm môi trường rất phổ biến, làm phát sinh hàng loạt thiệt hại. Trên thế giới, nguyên tắc “chủ thể gây ô nhiễm phải trả tiền” lần đầu tiên được đề xuất tại Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển vào năm 1972. Nguyên tắc này quy định những chủ thể gây ô nhiễm phải trả phí cho mọi biện pháp phục hồi môi trường bị ô nhiễm do mình gây ra.
Tại Việt Nam, lần đầu tiên trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, điều 130 đã đề cập đến hai loại thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường: thiệt hại đến chính môi trường và thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể. Tuy nhiên trên thực tế không dễ để đòi đơn vị gây ô nhiễm bồi thường thiệt hại.
Việc làm ô nhiễm môi trường chưa đủ để yêu cầu bồi thường thiệt hại, mà phải gây ra thiệt hại, phải chứng minh có thiệt hại xảy ra. Việc chứng minh thiệt hại gặp rất nhiều khó khăn vì nó không xảy ra tức thì, không thấy ngay lập tức, mà thiệt hại do môi trường gây ra phải trải qua thời gian dài, đôi khi phải sử dụng các thiết bị công nghệ đo lường.
Chứng minh ô nhiễm môi trường đã khó, chứng minh thiệt hại lại càng khó, đặc biệt là chứng minh nguyên nhân dẫn đến thiệt hại. Trong hầu hết các tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường, phần lớn người dân đều nhờ sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước”, TS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh nói.
PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế – Luật, cho hay trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu toàn cầu và yêu cầu cấp thiết về phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đã trở thành mục tiêu hàng đầu của các quốc gia trên thế giới.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng đặt ra mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế. Trong đó nhấn mạnh việc giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đây không chỉ là một thách thức về mô hình kinh tế và giải pháp môi trường mà còn đòi hỏi xây dựng một khung pháp lý vững chắc, linh hoạt, nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về 0.
Thực tế cho thấy hệ thống pháp luật đã tồn tại rất lâu trước khi việc chuyển đổi nền kinh tế xanh bắt đầu, nên điều khó tránh khỏi là một số quy định hiện hành đang gây vướng khi triển khai chuyển đổi xanh. Vì vậy, khung pháp lý chuyển đổi nền kinh tế xanh cần bao hàm các chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển nông nghiệp bền vững, thực hiện các phương pháp công nghiệp xanh, và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng dễ bị tổn thương. Đồng thời việc nghiên cứu và so sánh khung pháp lý giữa các quốc gia là chìa khóa để nhận diện và khắc phục những bất cập, chia sẻ kinh nghiệm, và thực hành tốt.
Theo TS Trịnh Thục Hiền – Giảng viên, Phó Trưởng khoa Luật kinh tế, Trường đại học Kinh tế- Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (EUL), một xu hướng toàn cầu gần đây là quy định về CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), chủ yếu thông qua các biện pháp buộc các công ty phải thiết lập và duy trì hệ thống thẩm định. Tuy nhiên các quy định này chủ yếu tập trung vào các yếu tố môi trường cụ thể, thay vì cung cấp đánh giá toàn diện và thường xuyên về tác động môi trường chung của hoạt động kinh doanh. Việt Nam nên thiết lập nghĩa vụ thẩm định môi trường bắt buộc để đưa khái niệm CSR vào pháp luật, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong CSR.
An Dương (T/h)