Tổ chức không thể thiếu của giai cấp công nhân

Đồng thời, Điều 10 Hiến pháp nước ta quy định: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tổ chức không thể thiếu của giai cấp công nhân
Ảnh minh họa.

Là tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn 95 năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã đồng hành trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Công đoàn thực sự là bạn đồng hành, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của đoàn viên, người lao động trong việc bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp.

Nhìn lại quá trình lịch sử, cũng như qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, chúng ta nhận thấy giai cấp công nhân – tổ chức Công đoàn ngày càng có vị trí quan trọng. Nếu doanh nghiệp là chủ thể cạnh tranh của nền kinh tế thì giai cấp công nhân (người lao động) là trung tâm của doanh nghiệp. Công đoàn không chỉ là “chất keo” kết dính giữa người lao động và người sử dụng lao động nhằm tạo ra mối quan hệ hài hòa, đảm bảo lợi ích giữa các bên góp phần thúc đẩy sản xuất – kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo nhiều công ăn việc làm, đóng thuế cho Nhà nước, đồng thời Công đoàn cũng chính là một trong những “kênh” quan trọng nâng cao nhận thức chính trị, bản lĩnh giai cấp cho công nhân.

Trong bất kỳ thể chế chính trị nào, dù tên gọi khác nhau (công đoàn, công hội, tổng hội, nghiệp đoàn) nhưng đều có mẫu số chung là tổ chức đại diện cho quyền lợi của đoàn viên, người lao động. Đất nước đang chuẩn tâm thế bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tổ chức Công đoàn càng phải phát huy hơn vai trò, chức năng của mình, xứng đáng là niềm tin của Đảng, tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV chính thức thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi), đây chính là căn cứ pháp lý quan trọng để tổ chức Công đoàn – giai cấp Công nhân vững tin bước vào kỷ nguyên mới!

Lê Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích