Siết chặt quản lý thuế thương mại điện tử
Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng bán hàng đa kênh là lựa chọn mang lại nhiều lợi thế cho người kinh doanh.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) – cho biết, kinh tế số trong những năm qua đã được quan tâm. Sau đại dịch COVID-19, phần lớn các hoạt động kinh doanh đều chuyển hướng sang hoạt động trên sàn thương mại điện tử. Khi số lượng người tiêu dùng tăng lên cũng là lúc những nhà phân phối, doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng phát biểu tại diễn đàn Toàn cảnh thương mại Việt Nam (Ảnh: báo Người Đưa Tin)
Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ và công tác quản lý thuế đối với hoạt động này đặt ra cấp thiết. Tổng cục Thuế cũng đã có văn bản gửi cục thuế các địa phương, yêu cầu rà soát toàn bộ tổ chức, cá nhân livestream bán hàng ở các nền tảng như Youtube, Facebook, TikTok… Từ đó, cơ quan thuế sẽ thanh, kiểm tra đối với các trường hợp có dấu hiệu rủi ro. Động thái này của cơ quan chức năng được cộng đồng kinh doanh online ủng hộ, bởi chỉ khi quản lý đúng đủ mới tạo được môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.
Bán hàng qua mạng với nhiều người là nguồn thu nhập chính nhưng không phải ai cũng nắm được nghĩa vụ thuế để tuân thủ, hiện ngành Thuế đang tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế tự giác kê khai, thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Chị Hoàng Thị Thủy – một cá nhân kinh doanh trên nền tảng TikTok – cho biết, được cán bộ thuế tuyên truyền pháp luật về thuế, chị đã chủ động kê khai thuế theo đúng quy định.
Các đơn vị tư vấn thuế cho biết, thực tế khi tiếp xúc với nhiều cá nhân hay các hộ kinh doanh online thì hầu hết sai sót là do còn chưa hiểu được phải kê khai và nộp thuế như thế nào
Theo quy định, người bán hàng online có doanh thu hàng năm từ 100 triệu trở lên sẽ phải nộp lệ phí môn bài từ 300.000 đồng – 1.000.000 đồng. Nếu doanh thu tính trong năm dương lịch từ 100 triệu trở lên, người bán hàng online phải có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân (0,5%) và thuế giá trị gia tăng (1%). Trường hợp nếu thuộc đối tượng đóng thuế mà hộ, cá nhân kinh doanh online không đóng thuế hoặc đóng thuế muộn thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế – cho biết, nếu hành vi phạm của người nộp thuế ở mức độ khai sai thì sẽ xử lý khai sai và phạt chậm nộp. Nếu người nộp thuế cố tình gian lận, trốn thuế, thì sẽ bị xử phạt về thuế từ 1 đến 3 lần. Trường hợp người nộp thuế trốn thuế đến mức độ vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Khi kinh doanh online đã trở thành một xu hướng phổ biến thì điều quan trọng mà các tổ chức, cá nhân bán hàng online cần lưu ý là việc tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có thực hiện nghĩa vụ thuế. Hiểu rõ để tuân thủ đúng các quy định về thuế là cần thiết để công việc kinh doanh qua mạng phát triển bền vững.
Mặc dù hiện đã có hơn 400 sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, nhưng chất lượng còn chưa đồng đều, đầy đủ như thiếu mã số thuế, địa chỉ kinh doanh… dẫn đến khó khăn trong công tác định danh người bán.
Theo dự báo của Metric, trong quý IV năm 2024, tổng doanh số trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam sẽ đạt 80.6 nghìn tỷ đồng, với 870 triệu sản phẩm được bán ra. Ngành Thuế xác định, để thương mại điện tử hoạt động lành mạnh, minh bạch và chống thất thu thuế, cần sự liên thông chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành; đồng thời phải xây dựng một mô hình quản lý quy mô toàn quốc với sự tham gia tích cực của chính quyền các tỉnh và các ban, ngành liên quan, nhằm giúp các hộ, cá nhân kinh doanh kê khai, nộp thuế một cách chủ động.
5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam
Quản lý nguồn thu đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là một giải pháp nhằm thực hiện thu ngân sách nhà nước. Để chống thất thu, trong thời gian tới, ngành Thuế cần tiếp tục hỗ trợ người nộp thuế như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức đối thoại trực tiếp với người nộp thuế, tổ chức đường dây nóng 24/7, thực hiện truyền thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp, hợp tác xã…
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc thất thu thuế đối với những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới cần được quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa nhằm đem lại sự minh bạch, công bằng giữa các hình thức kinh doanh.
Nguồn: hoanhap.vn