Giá thành cao vẫn là rào cản lớn nhất đối với người tiêu dùng xanh
Thông tin trên từ cuộc khảo sát “Nhận thức và Hành vi tiêu dùng xanh 2024” với các vấn đề liên quan đến tiêu dùng xanh như: sản phẩm, nhu cầu tiếp cận, động lực và rào cản, cách thức thực hiện…, do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao công bố ngày 30/10 tại TP.HCM.
Cuộc khảo sát được thực hiện theo phương pháp điều tra Xã hội học trực tiếp với người tiêu dùng (NTD) tại TP.Hà Nội, TP.HCM trong hai tháng 8 và 9/2024.
Theo ông Nguyễn Văn Phượng – Phụ trách điều tra thị trường của Hội DN HVNCLC, bức tranh tiêu dùng xanh trong các cộng đồng dân cư còn khá “tối màu”. Ngay tại Hà Nội và TP.HCM là hai trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất cả nước nhưng tỷ lệ NTD tiêu dùng xanh ở mức độ phổ biến cũng chỉ chiếm khoảng 12% – 18%.
Đối tượng khách hàng chính yếu của các sản phẩm xanh hiện nay là người tiêu dùng trong độ tuổi từ 31- 45 tuổi, trình độ đại học, có nghề nghiệp ổn định và mức thu nhập từ 15- 30 triệu. Thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường tiêu dùng xanh là giá cả. Theo khảo sát cho thấy, có tới 78% NTD cho biết giá của sản phẩm xanh cao hơn so với sản phẩm thông thường.
Chi phí sản xuất sản phẩm xanh thường cao hơn do nguyên liệu thân thiện môi trường thường có giá cao và quy trình sản xuất có thể tốn kém hơn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại họ sẽ không thể cạnh tranh với sản phẩm thông thường về giá cả, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận. Bên cạnh đó, mặc dù có sự tăng trưởng về ý thức tiêu dùng xanh, nhưng vẫn còn một bộ phận NTD chưa có đầy đủ thông tin về sản phẩm xanh.
Giá thành cao vẫn là rào cản lớn nhất đối với người tiêu dùng xanh.
Theo ông, hiện NTD biết đến sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh nhiều nhất từ các thông tin qua mạng internet, các nguồn thông tin (kinh nghiệm bản thân, người thân, người bán…) được tiếp cận với tỉ lệ nhất định (dưới 40%). Điều này có nghĩa là nhiều NTD vẫn chưa biết đến các sản phẩm xanh, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường.
Hơn nữa, ở một số khu vực nông thôn, nhận thức về bảo vệ môi trường và tiêu dùng xanh vẫn còn hạn chế. Khoảng 7% NTD, thậm chí cho rằng họ chưa cảm thấy cần thiết phải tiêu dùng xanh. Ngoài ra, sự sẵn có và độ phủ của sản phẩm xanh trên thị trường cũng là một thách thức lớn.
Kết quả khảo sát cho thấy các sản phẩm xanh chưa có mặt đủ rộng rãi tại các kênh phân phối. Điều này không chỉ làm giảm khả năng tiếp cận của NTD mà còn khiến họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các sản phẩm mà họ mong muốn. Việc mở rộng kênh phân phối sản phẩm xanh cũng cần thời gian dài và đầu tư lớn, điều mà nhiều DN không thể dễ dàng thực hiện trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.
Thêm vào đó, dù có nhiều chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh từ phía nhà nước nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng trong thực thi và hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần một chính sách hỗ trợ rõ ràng và đồng bộ hơn để thúc đẩy tiêu dùng xanh. Sự thiếu hụt này không chỉ làm giảm động lực của doanh nghiệp trong việc phát triển sản phẩm xanh mà còn khiến họ gặp khó khăn trong việc xây dựng lòng tin với NTD.
Bên cạnh đó, khoảng 18% NTD cho biết, không hài lòng với chất lượng của sản phẩm xanh, cho rằng sản phẩm không đáp ứng được kỳ vọng của họ. Điều này có thể là do một số DN chưa đầu tư đủ vào nghiên cứu và phát triển để cải thiện chất lượng sản phẩm xanh. Sự phàn nàn này không chỉ làm giảm lòng tin của NTD đối với sản phẩm xanh mà còn tạo ra những rào cản lớn trong việc thu hút khách hàng.
Để thành công trong bối cảnh này, ông Nguyễn Văn Phượng – Phụ trách điều tra thị trường của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, doanh nghiệp cần có chiến lược rõ ràng và mạnh mẽ hơn, đồng thời tìm cách hợp tác chặt chẽ với chính quyền, tổ chức và NTD để thúc đẩy một tương lai tiêu dùng bền vững hơn.
Người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm xanh.
Ngược lại, kết quả khảo sát cũng cho thấy, người tiêu dùng trong nước hiện nay có nhận thức và thái độ khá tích cực đối với tiêu dùng xanh, có sự hiểu biết về các khía cạnh cơ bản của khái niệm “tiêu dùng xanh”. 55% người tiêu dùng được hỏi đã chọn mua sản phẩm xanh căn cứ vào: quy trình sản xuất bền vững, có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện môi trường. Thực phẩm xanh được người tiêu dùng sử dụng ở mức độ cao nhất so với sản phẩm xanh các ngành khác nhưng cũng chỉ đạt gần tới mức độ thường xuyên (chứ chưa đạt đến mức độ sử dụng thường xuyên).
59% người tiêu dùng cho biết họ sẽ gia tăng sử dụng sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh trong thời gian tới. Đồng thời, họ sẵn sàng chi trả tăng thêm để có thể sử dụng sản phẩm xanh ở những mức độ khác nhau, trong đó mức độ chi trả tăng thêm được hưởng ứng nhiều nhất là 5%- 10% so với sản phẩm thông thường.
Qua khảo sát này, các doanh nghiệp cho rằng, nếu có lực lượng đông đảo người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm xanh, sẵn sàng chấp nhận mức chi phí cao hơn thông thường thì sản xuất xanh và tiêu dùng xanh hứa hẹn có dư địa phát triển. Khi sức tiêu thụ của sản phẩm xanh tốt hơn và sự dịch chuyển trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng hướng đến tiêu dùng xanh sẽ là động lực để thúc đẩy sản xuất xanh, bền vững.
Kim Thoa