Uống cà phê quá nhiều làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư?
Cà phê được các nhà khoa học ví như “con dao hai lưỡi”. Một mặt, uống cà phê mỗi ngày được chứng minh có tác dụng chữa bệnh mãn tính, giảm nguy cơ béo phì, giảm sỏi mật và chống ung thư. Nhưng mặt khác, cà phê (đặc biệt là khi tiêu thụ quá mức) lại gây hại cho người mắc chứng đau nửa đầu, làm gián đoạn giấc ngủ, có hại cho thai kỳ, thậm chí làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư.
Giáo sư Frank Hu Trưởng khoa Dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, ĐH Harvard (Mỹ) đã 20 năm nghiên cứu tác dụng của cà phê, dựa trên dữ liệu từ gần 210.000 người tham gia. Vị này nhấn mạnh cà phê là loại đồ uống có nguồn gốc thực vật, chứa caffeine và hàng trăm hợp chất hoạt tính sinh học. Lợi ích của cà phê đến từ sự kết hợp của nhiều hợp chất, khoáng chất và chất chống oxy hoá.
“Kết quả tổng thể từ các nghiên cứu cho thấy cà phê lợi hơn là hại cho sức khỏe. Uống cà phê với lượng vừa phải là một phần trong chế độ ăn lành mạnh với hầu hết mọi người”, Giáo sư Frank Hu cho biết.
Theo Giáo sư này, uống cà phê mỗi ngày có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim, ung thư gan, bệnh Parkinson và trầm cảm, giảm nguy cơ tử vong sớm. “Chúng tôi nhận thấy lợi ích của cà phê rõ ràng hơn ở những người không hút thuốc”, Giáo sư Harvard chia sẻ.
Thêm quá nhiều kem hoặc đường, sữa đặc có đường vào cà phê dễ gây bệnh tim mạch.
Uống cà phê tốt cho sức khoẻ nhưng hầu hết chuyên gia đều lưu ý mỗi người chỉ nên uống 1-2 cốc cà phê/ngày, không quá 500mg/ngày. Đó là bởi tiêu thụ quá nhiều cà phê có thể dẫn tới nghiện caffeine, gây tình trạng đau đầu, mệt mỏi, khó tập trung khi không uống cà phê.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng caffeine có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên cần tránh uống cà phê khi đói. Lợi ích sức khỏe của cà phê rõ ràng nhất ở cà phê đen nguyên chất, trong khi cà phê chứa nhiều chất tạo ngọt như đường, kem có thể gây tăng cân, làm tăng đường huyết đột ngột… Bên cạnh đó, không nên uống cà phê sau 12h trưa vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Circulation, các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Harvard đã theo dõi hơn 30.000 người trong suốt 20 năm và phát hiện rằng, những người tiêu thụ đồ uống có chứa nhiều đường, bao gồm cà phê có thêm đường hoặc kem, có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường loại 2.
Lượng đường bổ sung không chỉ khiến cà phê mất đi tác dụng hỗ trợ giảm cân và kích thích chuyển hóa của nó, mà còn làm tăng mức đường huyết, dẫn đến kháng insulin. Đây là yếu tố quan trọng gây ra tiểu đường loại 2. Bên cạnh đó, kem có chứa chất béo bão hòa cao cũng làm tăng mức cholesterol xấu (LDL) trong máu, từ đó gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Để giảm thiểu nguy cơ này, các chuyên gia khuyến cáo nên giảm hoặc loại bỏ việc thêm đường và kem vào cà phê. Nếu cần một chút vị ngọt, bạn có thể sử dụng các loại chất ngọt thay thế như cỏ ngọt hoặc mật ong nguyên chất với lượng nhỏ.
Thanh Hiền (t/h)