Rủi ro khi mua hàng hóa trên sàn thương mại điện tử chưa đăng ký

Trước thực trạng nhiều website thương mại điện tử chưa thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công thương đã cảnh báo người tiêu dùng về rủi ro khi mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) chưa đăng ký, đặc biệt là những sàn TMĐT xuyên biên giới.

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng Việt Nam bị thu hút bởi các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới nhờ mức giá rẻ và sự đa dạng về mẫu mã. Tuy nhiên, việc mua sắm trên các nền tảng chưa đăng ký và chưa được cơ quan nhà nước quản lý có thể dẫn đến những rủi ro. Bộ Công thương cho biết, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nếu chưa hoàn thiện các nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam theo quy định sẽ không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi.

Do vậy, trường hợp giao dịch phát sinh vấn đề không mong muốn, người tiêu dùng có nguy cơ đối mặt với một số khó khăn. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng đứng trước rủi ro cao khi mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ khi đặt hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký.

Những mặt hàng này có thể không đạt tiêu chuẩn an toàn, gây hại cho người tiêu dùng hoặc là hàng hóa bị cấm tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, đối với sản phẩm liên quan đến sức khỏe và an toàn như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em và thiết bị điện tử, việc sử dụng sản phẩm kém chất lượng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Bộ Công thương cho rằng, khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký, người tiêu dùng thường phải cung cấp thông tin thanh toán phạm vi quốc tế như thẻ tín dụng hoặc thông tin ví điện tử. Những dữ liệu này nếu không được quản lý và bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam có nguy cơ bị đánh cắp hoặc bị khai thác trái phép, dẫn đến các rủi ro lớn về bảo mật thông tin cá nhân.

Đặc biệt, nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký không có cam kết về bảo mật thông tin người tiêu dùng theo quy định của Việt Nam, không có quy trình xử lý sự cố trong trường hợp xảy ra vấn đề và đương nhiên cũng không có trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý theo quy định tại Việt Nam.

Giao diện sàn TMĐT Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam nhưng đang bán nhiều sản phẩm hàng hóa giá rẻ cho người tiêu dùng Việt.

Theo Bộ Công thương, người tiêu dùng có nguy cơ tiềm ẩn về các trách nhiệm pháp lý liên quan đến thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu qua TMĐT.

Hàng hóa mua từ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới không lường trước được nghĩa vụ thuế với mặt hàng nhập khẩu, dẫn đến những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế và vấn đề pháp lý khi sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này có thể khiến người tiêu dùng gặp rắc rối khi sản phẩm bị giữ lại tại cửa khẩu hoặc phải chịu thêm các chi phí phát sinh do thuế không được dự tính hoặc không như thông báo ban đầu.

Trước đó, thông tin các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam tuy nhiên chưa tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương, thu hút sự chú ý lớn của người tiêu dùng tại Việt Nam và trở thành chủ đề nóng trên nhiều phương tiện truyền thông. Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thực thi pháp luật, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng.

Bộ Công Thương khuyến nghị người tiêu dùng cần thận trọng khi tiến hành các giao dịch trên nền tảng TMĐT, đặc biệt tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng Thông tin quản lý hoạt động TMĐT.

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) – nhà sáng lập dự án Chongluadao cho biết, có một số rủi ro tiềm ẩn khi thêm thông tin thẻ tín dụng (bao gồm số thẻ, mã CVV, thông tin cá nhân) vào các nền tảng thương mại điện tử như Temu. Theo ông Hiếu, các nền tảng này thường lưu trữ thông tin thẻ trong cơ sở dữ liệu của họ để thuận tiện cho người dùng. Tuy nhiên, nếu cơ sở dữ liệu này bị xâm nhập, hacker có thể đánh cắp thông tin nhạy cảm này.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, hiện tại việc Temu không sử dụng những phương thức thanh toán an toàn hợp pháp tại Việt Nam như MoMo, ZaloPay, VNPay, Napas…. Thông tin dữ liệu nhạy cảm này không biết có được bảo mật hay không, khi những dữ liệu này được lưu trữ không phải ở Việt Nam. Đồng thời, website của Temu hiện tại cũng không có con dấu chứng thực của Bộ Công Thương.

Thanh Hiền (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích