Hội nghị thường niên lần thứ 66 của Lãnh đạo các tổ chức năng suất quốc gia APO

Đây là một trong hai cuộc họp quan trọng thường niên của APO được tổ chức hàng năm, cùng với Hội nghị Ban chấp hành APO (Governing Body Meeting). Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo và đại diện đến từ các tổ chức năng suất quốc gia thuộc 20 nền kinh tế thành viên.

Hội nghị còn có sự tham dự của Khách mời danh dự, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Thương mại, Hợp tác xã, Doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ và Truyền thông Fiji Manoa Kamikamica và Bộ trưởng Bộ Việc làm, Năng suất và Quan hệ việc làm Fiji Agni Deo Singh.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, Head of NPO Vietnam là trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Trong phiên khai mạc, Chủ tịch APO 2024–25 và Giám đốc APO tại Fiji Jone Maritino Nemani đã nồng nhiệt chào đón các đại biểu tham dự.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo và đại diện đến từ các tổ chức năng suất quốc gia thuộc 20 nền kinh tế thành viên.

Điểm nhấn của Hội nghị là việc chính thức giới thiệu Năng suất xanh (GP) 2.0. Giáo sư Yoichiro Matsumoto, Cố vấn Khoa học và Công nghệ của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Thành viên Hội đồng Cố vấn GP đã nhấn mạnh sự phát triển và tầm quan trọng của GP 2.0, liên kết nó với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, chẳng hạn như Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ông nhấn mạnh sự hiệp lực giữa GP 2.0 và Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Nhật Bản, đặc biệt là trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nền kinh tế tuần hoàn.

Trước đó, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2024, Nhóm Công tác Kỹ thuật (TWG), bao gồm các thành viên từ Đài Loan (Trung Quốc), Cộng hòa Hồi giáo Iran, Malaysia, Pakistan, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, đã được giao nhiệm vụ phát triển các phương pháp tiếp cận và lộ trình cho GP 2.0. Đại diện Việt Nam tham dự Nhóm TWG là Tiến sĩ Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, kiêm Giám đốc APO của Việt Nam. Nhóm TWG đã hợp tác với các chuyên gia về GP để xác định các phương pháp tiếp cận, cùng với các yếu tố hỗ trợ, công nghệ, và phương pháp luận tương ứng, nhằm phát triển một lộ trình các hoạt động.

Ngoài ra, Hội nghị đã trao đổi, đánh giá kết quả triển khai các chương trình, dự án trong năm 2024, đi đến thống nhất chương trình, dự án sẽ triển khai trong năm 2025 và 2026 theo định hướng của Tầm nhìn sau 2025 của APO, tập trung tích hợp GP và AI vào các sáng kiến năng suất.

Tổ chức Năng suất Châu Á (Asian Productivity Organization, APO) là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, liên chính phủ được thành lập vào ngày 11 tháng 05 năm 1961. Với 21 nền kinh tế thành viên, APO là tổ chức duy nhất tại khu vực châu Á Thái Bình Dương có nhiều hoạt động triển khai tại các nền kinh tế thành viên nhằm nâng cao năng suất, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của khu vực. Hiện nay, 8 trong tổng số 10 quốc gia ASEAN đã là thành viên của APO (trừ Myanmar và Brunei).

Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APO từ ngày 01 tháng 01 năm 1996. Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) được ủy quyền là đại diện thường trực của Việt Nam tại APO và là đầu mối tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của APO, các dự án song phương với các Tổ chức năng suất quốc gia thành viên APO.

 Anh Vũ

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích