Đồng Nai xử lý nhiều cơ sở giết mổ trái phép, thu giữ số lượng lớn thịt lợn không rõ nguồn gốc

Ngày 7/11 vừa qua, Công an thành phố Biên Hòa phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y, lực lượng liên ngành 389 và UBND phường Long Bình đã đồng loạt kiểm tra, phát hiện sáu cơ sở giết mổ trái phép và kinh doanh thịt heo lậu. Trong đó, có nhiều cơ sở đang hoạt động mà không có giấy phép hợp pháp.

Cơ sở giết mổ heo trái phép tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra. Ảnh: K.Thiết

Tại khu phố 5, phường Long Bình, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở do ông Hoàng Văn Dương làm chủ đang chuẩn bị giết mổ 9 con lợn với tổng trọng lượng hơn 700kg. Tại một địa điểm khác, cơ sở của bà Lê Thị Đào đã giết mổ 6 con lợn (khoảng 600kg) và còn 11 con lợn đang chờ giết mổ. Kiểm tra ba cơ sở tại khu phố 6, lực lượng chức năng phát hiện các chủ cơ sở Nguyễn Viết Công, Nguyễn Thị Minh, và Nguyễn Trung Dũng cùng từ 2 đến 4 nhân công đang giết mổ hoặc chuẩn bị giết mổ lợn. Các cơ sở này đều không có giấy phép giết mổ hợp pháp.

Lực lượng kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với năm chủ cơ sở và yêu cầu xử lý số thịt lợn đã giết mổ. Đối với số lợn còn sống, các cơ quan đã yêu cầu địa phương giám sát việc đưa vào lò mổ tập trung theo quy định.

Cùng ngày, đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thịt heo của ông Trần Đức Toàn tại khu phố 2 và phát hiện gần 1,7 tấn thịt lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Toàn bộ số thịt này đã bị tạm giữ, niêm phong và lấy mẫu kiểm nghiệm để xử lý theo quy định pháp luật.

Trước đó, vào ngày 4/11, đoàn kiểm tra đã bắt quả tang ông V.A.Đ tại tổ 29, khu phố 6, phường Long Bình đang kinh doanh 1.489kg thịt lợn không rõ nguồn gốc, gồm phụ phẩm và 6 con heo chết. Số thịt được phát hiện trong tình trạng mất vệ sinh, bốc mùi hôi thối. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu tiêu hủy toàn bộ số thịt, đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình tiêu hủy.

Buộc tiêu hủy số phụ phẩm và thịt lợn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Cục QLTT Đồng Nai

Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, tại khoản 13, Điều 3, Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ được sửa đổi bổ sung Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ quy định: “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm lợn hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật”.

Quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm kinh doanh, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể lên đến 200 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Đây là mức phạt đối với người vi phạm là cá nhân. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường.

Đặc biệt, nếu người vi phạm sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tương tự thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 317 Điều 317 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017).

Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích