Long An liên tiếp phát hiện hàng loạt sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ

Qua công tác giám sát, nắm tình hình hoạt động kinh doanh online trên các trang mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm, ngày 21/10/2024, Đội Quản lý thị trường số 6 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh quần áo trẻ em hoạt động trên nền tảng Facebook. Tại đây, lực lượng chức năng đã tạm giữ 82 sản phẩm quần áo với tổng trị giá 9,65 triệu đồng. Cơ sở này không thực hiện thủ tục thay đổi địa chỉ kinh doanh theo quy định và không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Lực lượng chức năng tạm giữ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Ảnh: Cục QLTT Long An

Ngày 25/10, Đội Quản lý thị trường số 6 tiếp tục kiểm tra một cơ sở kinh doanh quần áo thời trang nữ. Qua xác minh, cơ sở này cũng sử dụng Facebook để kinh doanh các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã tạm giữ 45 sản phẩm quần áo trị giá 7,84 triệu đồng. Hiện, toàn bộ số hàng hóa vi phạm đã được chuyển về Đội Quản lý thị trường số 6 để tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.

Cùng ngày, một công ty kinh doanh mỹ phẩm trên website thương mại điện tử bán hàng tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An thực hiện đóng phạt 30 triệu đồng theo quyết định xử phạt của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6, xử phạt về hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), công tác quản lý hoạt động buôn bán, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng trên mạng xã hội đang được chú trọng. Bộ TTTT đã phối hợp với Bộ Công Thương để ngăn chặn các hành vi mua bán trái phép, đặc biệt trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok. Các nền tảng này bị yêu cầu áp dụng công nghệ AI để phát hiện và gỡ bỏ các nội dung vi phạm nhằm hạn chế tình trạng quảng cáo sai sự thật và hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Số liệu thống kê từ Bộ TTTT cho thấy, từ năm 2022 đến nay, tỷ lệ các nền tảng đáp ứng yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm đạt khoảng 92%. Trong quý III/2024, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.751 nội dung vi phạm, trong khi Google và TikTok cũng có những động thái tương tự nhằm xử lý các tài khoản đăng tải thông tin không đúng sự thật.

Bộ TTTT cũng đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý mạng xã hội xuyên biên giới. Theo đó, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường kiểm soát, xử lý các hành vi quảng cáo sai lệch, đồng thời khuyến khích các đại lý quảng cáo và nhãn hàng chỉ hợp tác với các trang mạng cung cấp nội dung sạch, tích cực.

Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Bộ TTTT cho biết, việc quản lý các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok gặp nhiều khó khăn do các nền tảng này chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Bộ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp liên ngành, nâng cấp công nghệ và nhân lực để đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý không gian mạng.

Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích