Triển khai các chức năng chất lượng

QFD là gì?

Dựa trên yêu cầu của khách hàng (VOC), QFD được sử dụng để xác định các tham số chủ yếu của quá trình sản xuất kinh doanh (VOP). Cuối cùng, QFD là phương pháp văn bản hoá mối quan hệ giữa đặc tính sản phẩm, tham số quá trình và việc kiểm soát các biến động.

QFD được nghiên cứu và phát triển tại Nhật Bản cuối thập niên 1960, bởi Giáo sư Shigeru Mizuno và Yoji Akao. Mục đích của Mizuno và Yoji Akao là phát triển phương pháp kiểm tra chất lượng chắc chắn trong đó sự thoả mãn yêu cầu của khách hàng được đưa vào sản phẩm trước khi tạo ra nó. Ý nghĩa quan trọng của việc kiểm soát chất lượng này là hướng đến việc cải thiện những vấn đề trong quá trình tạo ra sản phẩm cũng như quá trình sau đó và hướng sản phẩm sau cùng đạt đến những yêu cầu của khách hàng một cách cao nhất.

Mặc dù QFD được hình thành vào cuối thập niên 1960, nhưng mãi đến năm 1972 nó mới được ứng dụng tại xưởng đóng tàu Kobe của Mitsubishi Heavy Industry ở Nhật. QFD đạt đến đỉnh cao khi công ty sản xuất ôtô Toyota ứng dụng và phát triển thành một bảng chất lượng có một “mái” phía bên trên và đặt tên bảng này là “ngôi nhà chất lượng”. Ngôi nhà chất lượng mới trở nên quen thuộc ở Mỹ từ 1998.

 Triển khai các chức năng chất lượng theo 4 giai đoạn.

Công dụng của QFD

QFD là một cấu trúc kỹ thuật để giải quyết những bài toán kết hợp việc phát triển và cải thiện sản phẩm. Nó thường kết hợp hệ thống các ma trận với quan hệ tương hỗ lẫn nhau, thông thường bao gồm 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Giai đoạn lập ý tưởng chất lượng và lập các biện pháp thi hành, được gọi là QFD1 “ma trận hoạch định”.

Giai đoạn 2: Giai đoạn lập thiết kế thực hiện được gọi là QFD 2 “ma trận thiết kế”.

Giai đoạn 3: Giai đoạn lập biện pháp thực thi được gọi là QFD 3 “ma trận điều hành”.

Giai đoạn 4: Giai đoạn thực hiện các phép kiểm tra, kiểm soát theo các tiêu chí đã đề ra để khẳng định chất lượng hàng hoá, được gọi là QFD 4 “ma trận kiểm soát”.

Thông qua 4 giai đoạn trên, yêu cầu của khách hàng được chuyển tải thành các yêu cầu về kỹ thuật, tiếp theo những yêu cầu sẽ được đưa vào những đặc tính cấu thành sản phẩm, sau đó sẽ là các bước xử lý và các bước điều hành để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Với mỗi ma trận dùng để chuyển tải trong một quá trình trung gian được gọi là “ngôi nhà chất lượng” hay là một QFD đơn.

Theo chuyên gia năng suất, để nắm được nguyên tắc của QFD, hãy lấy một ví dụ: Giả sử nhà sản xuất thiết bị trường học đang trong giai đoạn chuẩn bị đưa ra thị trường một loại bảng viết mới. QFD được sử dụng để xác định các chỉ tiêu chất lượng cần thiết cho sản phẩm bảng viết đó cũng như qui trình công nghệ để sản xuất ra bảng đó.

Bước 1 – Xây dựng Ngôi nhà QFD 1: đây là bước hoạch định sản phẩm (Product Planning). Chúng ta cần liệt kê tất cả các mong đợi của khách hàng đối với bảng viết, phân loại mức độ quan trọng của từng mong đợi (theo thang điểm 100) và xác định cách thức đánh giá chức năng hoạt động của từng mong đợi đó cũng như trọng số của nó liên hệ với mong đợi của khách hàng.

Bước 2 – Xây dựng Ngôi nhà QFD 2: đây là bước thiết kế sản phẩm (Product Qualification). Chúng ta cần liệt kê các thuộc tính sản phẩm thấy được hay đo lường được, ví dụ như mầu sắc, kích thước, chất liệu… Đồng thời chúng ta xác định các thuộc tính của sản phẩm đó sẽ ảnh hưởng tới các chức năng hoạt động như thế nào và đánh giá mức độ ảnh hưởng đó.

Bước 3 – Xây dựng Ngôi nhà QFD 3: đây là bước thiết kế công nghệ hay là xác định các tham số của quá trình. Chúng ta cần xác định các nguyên công cần phải làm và mức độ quan trọng mà mỗi nguyên công đó tác động vào đặc tính sản phẩm.

Bước 4 – Xây dựng Ngôi nhà QFD 4: đây là bước thiết kế các phương pháp kiểm soát quá trình công nghệ. Chúng ta cần xác định xem các tham số nào của quá trình cần phải điều chỉnh, ví dụ như thời gian, tốc độ, nhiệt độ… Đồng thời cũng xác định xem quá trình nào trong toàn bộ dây chuyền công nghệ có ảnh hưởng nhất đến đặc tính sản phẩm và ảnh hưởng của mỗi điều chỉnh tham số tới đặc tính sản phẩm. Kết quả cuối cùng là chúng ta đã có toàn bộ một bức tranh tổng thể về mối liên quan giữa bài toán đầu vào và các công việc mà chúng ta cần tiến hành.

Phương Nam

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích