Thực phẩm bị nấm mốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư?
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng 1 – Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, anh từng tiếp nhận hai bệnh nhân đến khám có dấu hiệu nghi ngờ ung thư gan. Cả hai bệnh nhân này đều bán hàng thực phẩm. Họ tiếc những loại thực phẩm đã dập, mốc không bán được cho khách nên giữ lại ăn.
Những thực phẩm nấm mốc tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe rất lớn. Đặc biệt, nấm mốc ở các loại ngũ cốc như lạc, đỗ, gạo, ngô… chứa độc tố Aflatoxin gây ung thư gan. Độc tố này là loại gây ung thư mạnh nhất hiện nay. Aflatoxin gây ung thư gan bằng cách gây đột biến ở gene p53.
Nhiều tài liệu cho thấy độc tố aflatoxin có thể gây hại với liều lượng rất nhỏ. Độc tố này không thể nhìn bằng mắt thường. Thực phẩm bị nấm mốc, đặc biệt là các loại hạt ngũ cốc không chỉ gây ngộ độc mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về công nghệ thực phẩm thông tin, các loại thực phẩm đều dễ bị nấm mốc. Trong đó, có tới 40% nấm mốc tạo ra nhiều độc tố. Những độc tố này đều là tác nhân gây bệnh tật cho con người. Các độc tố từ nấm mốc có thể tích tụ lâu dài trong cơ thể gây nhiều bệnh tật khác như ung thư, suy thận. Đặc biệt, đối với các loại hạt bị nấm mốc như lạc, đỗ, gạo, ngô…, một trong các độc tố vi nấm nguy hiểm được sản sinh ra là Alfatoxin. Loại độc tố này không chỉ gây ngộ độc cấp tính mà còn tích lũy dần dần trong cơ thể và gây ra bệnh ung thư gan.
Hiện nay, nhiều người vẫn còn thói quen rửa bỏ nấm mốc trên thực phẩm rồi sử dụng. Điển hình như gạo, lạc, ngô, đậu hoặc ngay cả bánh nhiều người cũng sử dụng khi đã bị nấm mốc.
Tuy nhiên, PGS. Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, rửa chỉ làm trôi đi nấm mốc bên ngoài còn bên trong những thực phẩm đã bị ẩm, sản sinh nấm, chất độc, khi sử dụng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt, vì độc tố nấm mốc rất bền với nhiệt nên nấu chín cũng không loại bỏ được. Do vậy, khi thực phẩm đã bị nấm mốc, người dân tuyệt đối không sử dụng để tránh nguy hại tới sức khỏe.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho biết, khi mua thực phẩm bị mốc hoặc bảo quản kém, thực phẩm sẽ dễ bị các loại nấm xanh, nấm có mũ,… và sản sinh ra chất aflatoxin – đây là chất độc gây hại khắp cơ thể nhưng nhiều nhất là gan.
Khi aflatoxin xâm nhập vào gan, nó sẽ dẫn tới gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan. Nếu người đang bị viêm gan B và ăn phải nấm mốc có chứa aflatoxin sẽ tăng nguy cơ ung thư gan cao.
Thực tế, nhiều người thấy gạo, đậu, bánh,… bị mốc nhưng tiếc không bỏ đi mà đem phơi khô để ăn tiếp, với suy nghĩ phơi qua nắng nấm mốc sẽ bị tiêu diệt hoặc họ sẽ tìm cách khắc phục và dùng bình thường. Nhưng, thực chất độc tố của các loại nấm mốc thường không được phá hủy hoàn toàn dù ở nhiệt độ rất cao.
Vì thế, khi thực phẩm đã bị mốc dù có phơi dưới ánh nắng mặt trời cũng không thể làm chúng hết được. Ánh nắng mặt trời chỉ có tác dụng hút bớt độ ẩm và làm khô thực phẩm, từ đó không làm thực phẩm bị mốc. Do vậy, khi thực phẩm đã bị mốc, tốt nhất là không nên sử dụng.
Thanh Hiền (t/h)