Cần nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội

Ngày 28/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về Báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Nội dung phiên làm việc đã nhận được sự quan tâm theo dõi của các cử tri TP Hồ Chí Minh.

Cần nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội
Một dự án nhà ở xã hội tại thành phố Thủ Đức. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Cử tri Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đánh giá cao Quốc hội lần đầu tiên thực hiện quyền giám sát tối cao đối với thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội là một lĩnh vực kinh tế nhưng lại gắn liền với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở. Báo cáo kết quả giám sát đã đưa ra nhận định khái quát về tình hình thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015 – 2023, đánh giá đầy đủ kết quả đã đạt được, mặt tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan của tình hình thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu cho biết, hiện nay thị trường bất động sản đang rất thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại do nhiều dự án nhà ở gặp vướng mắc pháp lý. Cơ cấu sản phẩm nhà ở đang không cân đối khi rất thiếu nhà ở thương mại giá vừa túi tiền dẫn đến giá nhà tăng liên tục. Thị trường bất động sản bị khủng hoảng dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng về dòng tiền và thanh khoản trong các năm 2022 – 2023. Bên cạnh đó, đa số người thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở đô thị có nhu cầu thực mua nhà để ở rất khó tiếp cận, rất khó tạo lập nhà ở.

Ông Lê Hoàng Châu đề xuất giải pháp góp phần làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản, trong đó đề nghị Quốc hội xem xét thông qua “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất” theo Tờ trình của Chính phủ số 631/TTr-CP ngày 10/10/2024 trình Quốc hội. Đồng thời, đề nghị Quốc hội sớm hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung các Luật có liên quan đến lĩnh vực này để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ “vướng mắc pháp lý” cho các dự án đầu tư công cũng như các dự án đầu tư của khu vực tư nhân.

Quan tâm đến giải pháp thực hiện mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2030 mà Chính phủ đã đề ra, ông Lê Hoàng Châu đề nghị xem xét điều chỉnh giảm mức lãi suất cho vay đối với “hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ” tại Ngân hàng Chính sách xã hội về mức lãi suất 3% hoặc 4,8%/năm (hiện nay là 6.6%/năm), để chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay ưu đãi với lãi suất từ 3,6% hoặc 5,76%/năm (hiện là 7,92%/năm). Người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay ưu đãi với lãi suất từ 3% hoặc 4,8%/năm (hiện là 6,6%/năm) cho phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, ông đề nghị bổ sung vào Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định công nhận nhà ở riêng lẻ là “nhà trọ cho thuê dài hạn”, là một hình thức “nhà ở xã hội” do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, kinh doanh để các “chủ nhà trọ” cũng được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng và thuế. Cùng với đó, đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định chính sách ưu đãi về thuế đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (chỉ để cho thuê) để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội để cho thuê.

Cử tri Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tân Bình đồng tình với kết quả kiến nghị sau giám sát của đoàn giám sát của Quốc hội, đặc biệt là đối với nội dung tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản, bố trí cho người dân chung cư cũ, nhỏ không đủ diện tích xây dựng mới hiện nay còn vướng mắc nhiều về pháp luật.

Theo bà Lê Thị Thu Trà, việc phát triển nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, chưa giúp người lao động ổn định cuộc sống. Bên cạnh quan tâm xây dựng nhà ở xã hội ưu tiên cho công nhân, người lao động gặp khó khăn, cần tiến tới việc quan tâm xây dựng nhà ở trí thức, người lao động có thu nhập trung bình và trên trung bình để giúp họ ổn định đời sống. Thành phố là một đô thị lớn, trung tâm kinh tế xã hội lớn của đất nước muốn phát triển cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư nhà ở, giúp cho người lao động để họ có thêm động lực, tâm huyết cống hiến cho Thành phố và đất nước.

Bà Lê Thị Thu Trà cho rằng, để đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra về xây dựng nhà ở xã hội, cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư đủ mạnh tham gia xây dựng nhà ở xã hội với nhiều phân khúc cho nhiều đối tượng xã hội chứ không chỉ dành cho người có thu nhập thấp. Mặt khác, cần có chính sách cụ thể, thiết thực để khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng chung sức cùng nhà nước xây dựng khu lưu trú chất lượng. Đồng thời, cần có chế tài đủ mạnh, khả thi để xử lý các chủ đầu tư nhà ở xã hội chưa tuân thủ quy định của pháp luật, dẫn đến kiềm chế sự phát triển với lĩnh vực nhà ở xã hội tại các đô thị lớn như tại TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích