Vĩnh Phúc: Ấn tượng chương trình kỷ niệm 120 năm địa danh Tam Đảo
(Xây dựng) – Tối 26/10, tại quảng trường thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã diễn ra chương trình “Dấu ấn mùa Đông – thị trấn Tam Đảo 120 năm hình thành và phát triển” với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chúc mừng huyện Tam Đảo nhân kỷ niệm 120 năm thành lập. |
Chương trình “Dấu ấn mùa Đông – thị trấn Tam Đảo 120 năm hình thành và phát triển” nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch nhằm thúc đẩy thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo ra sự phát triển đột phá về du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện trong những năm tiếp theo.
Đây cũng là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch giữa Tam Đảo với các địa phương trong tỉnh và các khu vực và địa phương khác trong cả nước, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực để phát triển du lịch, nâng cao vị thế, hình ảnh, con người Tam Đảo nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.
Trong khuôn khổ chương trình có nhiều hoạt động đặc sắc gồm chương trình nghệ thuật; triển lãm tư liệu quốc gia quá trình hình thành, xây dựng, phát triển thị trấn; lễ hội ẩm thực đường phố.… với sự góp mặt của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng.
Bà Vũ Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo phát biểu tại buổi lễ. |
Ôn lại quá trình hình thành và phát triển 120 năm thị trấn Tam Đảo, bà Vũ Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo, Trưởng Ban tổ chức nêu rõ: Thị trấn Tam Đảo nằm ở độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển, được được hình thành từ năm 1904 bởi sự phát hiện của một phái đoàn quân sự được Phủ Toàn quyền Đông Dương, giao nhiệm vụ tìm kiếm trong dãy núi Tam Đảo một địa điểm thuận lợi để đặt trạm nghỉ mát mùa hè. Sau đó, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định số 1467 ngày 27/10/1904, triển khai xây dựng công trình Khu điều dưỡng Tam Đảo, năm 1906 Phủ Toàn quyền Đông Dương ra quyết định xây dựng thị trấn Tam Đảo mục đích xây dựng khách sạn, thành nơi tráng lệ bậc nhất Đông Dương, người Pháp dùng cụm từ là “Hòn ngọc Đông Dương”.
Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại chương trình. |
Ngày 18/11/1966, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 198-CP, về việc thành lập thị trấn Tam Đảo trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 26/01/1968, Quốc hội ban hành Nghị quyết 504/NQ-QH, về việc hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, thị trấn Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Phú.
Ngày 5/7/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 178-CP về việc sáp nhập thị trấn Tam Đảo vào thị xã Vĩnh Yên. Ngày 9/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 153/NĐ-CP về việc thành lập huyện Tam Đảo, theo đó chuyển thị trấn Tam Đảo về huyện Tam Đảo mới.
Trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, thị trấn vinh dự được 3 lần đón Bác Hồ về thăm và làm việc. Đến nay, sau 120 năm thị trấn Tam Đảo đã từng bước khẳng định vị thế của khu du lịch quốc gia và được Tổ chức Du lịch Thế giới bình chọn là thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới các năm 2022 và 2023. Đặc biệt, qua các thời kỳ lịch sử Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Tam Đảo luôn phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm xây dựng thị trấn ngày càng phát triển và là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện của mỗi du khách.
Toàn cảnh không gian diễn ra chương trình. |
Theo quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/QĐ-TTg, ngày 6/2/2024 và Quy hoạch chung đô thị loại IV của huyện Tam Đảo, huyện Tam Đảo và thị trấn Tam Đảo được định hướng và tập trung phát triển trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng có đẳng cấp của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước. Để thực hiện được mục tiêu đó và tiếp tục khẳng định thương hiệu du lịch Tam Đảo, xây dụng Khu du lịch quốc gia Tam Đảo phát triển bền vững mang tầm cỡ quốc tế, tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Tam Đảo cũng như thị trấn Tam Đảo đã, đang và sẽ đặc biệt quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để xây dựng thị trấn Tam Đảo trở thành khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Nguồn: Báo xây dựng