“Chìa khóa” giúp Long An “hút” đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới
(Xây dựng) – Theo định hướng phát triển hạ tầng thương mại biên giới giai đoạn 2025-2030, tỉnh Long An tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành có liên quan triển khai Kế hoạch thu hút đầu tư khu vực cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp và cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút, thúc đẩy hoạt động thương mại các cửa khẩu phụ và lối mở, thực hiện tăng cường phát triển kinh tế biên giới.
Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp. |
Nhiều chợ biên giới phát huy hiệu quả
Long An có đường biên giới tiếp giáp 2 tỉnh Svây Riêng và Prây Veng, Vương Quốc Campuchia với tổng chiều dài 134,906 km, là một trong 10 tỉnh có đường biên giới dài và nhiều vị trí mốc giới đứng thứ hai trên toàn tuyến, đi qua 20 xã của 6 huyện, thị xã biên giới.
Cùng đó, Long An hiện có 02 cửa khẩu quốc tế là Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường) và Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ); 03 cửa khẩu phụ là Hưng Điền A và Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng), cửa khẩu Tân Hưng (huyện Tân Hưng) và 07 lối mở.
Thực hiện Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định số 3229/QĐ-UBND ngày 16/4/2021 của UBND tỉnh Long An phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế biên giới gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, UBND tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế biên giới gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.
Hiện nay tỉnh Long An hiện có 12 chợ biên giới. (Ảnh minh họa) |
Báo cáo số liệu hiện trạng hạ tầng thương mại biên giới của Sở Công Thương tỉnh Long An mới đây cho biết, hiện nay, Long An hiện có 12 chợ biên giới. Đồng thời, Khu Kinh tế cửa khẩu (Khu KTCK) Long An được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2010 tại Quyết định số 07/2010/QĐ-TTg và phê duyệt quy hoạch chung xây dựng tại Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 07/01/2015 với tổng diện tích 13.080 ha.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Long An, mặc dù, kết cấu hạ tầng biên giới trên địa bàn tỉnh chưa được hoàn chỉnh. Đa số các chợ biên giới là chợ tạm và bán kiên cố; Khu vực cửa khẩu chưa được đầu tư xây dựng các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung; Các dịch vụ: kho, bãi, giao nhận, vận chuyển, đóng gói, bốc dỡ hàng hóa, hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khác chưa được đầu tư ngang tầm quy mô khu kinh tế cửa khẩu; Kết cấu tuyến đường giao thông kết nối từ các cảng, kho, bãi, các khu cụm công nghiệp, khu chế xuất trong nội địa đến khu vực cửa khẩu biên giới chưa đồng bộ.
Hải quan và bộ đội biên phòng phối hợp kiểm tra phương tiện, hàng hoá qua cửa khẩu. |
Tuy nhiên, tình hình hoạt động thương mại biên giới giai đoạn 2021-2024 của Long An vẫn cho thấy những kết quả tích cực. Hoạt động tại các chợ trên tuyến biên giới của tỉnh Long An giáp với tỉnh Svây Riêng và Prây Veng (Campuchia) tương đối ổn định về lưu lượng hàng hóa và lượt người tham gia mua bán trao đổi.
Hàng hóa chủ yếu là hàng nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng, vật tư nông nghiệp phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân hai bên biên giới.
Thúc đẩy hoạt động thương mại các cửa khẩu phụ và lối mở
Theo định hướng phát triển hạ tầng thương mại biên giới của giai đoạn 2025-2030, tỉnh Long An tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành có liên quan triển khai Kế hoạch thu hút đầu tư khu vực cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp và cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút, thúc đẩy hoạt động thương mại các cửa khẩu phụ và lối mở thực hiện tăng cường phát triển kinh tế biên giới.
Không chỉ có vậy, tỉnh Long An cũng chủ động mời gọi các nhà đầu tư xây dựng Trung tâm kho vận và dịch vụ logistics ở khu cửa khẩu Bình Hiệp với diện tích 10ha và Trung tâm kho vận và dịch vụ logistics ở khu cửa khẩu Mỹ Quý Tây với diện tích 10ha theo Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ).
Nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 62 kết nối Khu kinh tế cửa khẩu đến các khu vực lân cận. Nâng cấp Quốc lộ N1 là trục giao thông thứ năm kết nối hệ thống đường hành lang ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long dọc biên giới Tây Nam Việt Nam, qua các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Quốc lộ N1 cần sớm được triển khai nâng cấp để kết nối khu vực biên giới tỉnh Long An và các khu vực lân cận, khắc phục tình trạng Quốc lộ 62 là tuyến đường kết nối duy nhất như hiện nay.
Xe container đến làm thủ tục hải quan và chờ xuất hàng qua Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp. (Ảnh minh họa) |
Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển kinh tế biên giới gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó sẽ đề xuất cụ thể các dự án đầu tư hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Nhằm “hút” đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mại biên giới, Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, giai đoạn 2021-2024, UBND tỉnh Long An phân bổ kế hoạch đầu tư công, trong đó chú trọng thu hút đầu tư nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng tại khu vực cửa khẩu biên giới.
Trong đó, có công trình Cải tạo, sửa chữa Trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp và các hạng mục của dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế cửa khẩu Long An kế hoạch giai đoạn 2021-2024 bố trí 4,999 tỷ đồng; Cải tạo, nâng cấp ĐT.838C (huyện Đức Huệ) – Kế hoạch giai đoạn 2021-2024 bố trí 38,252 tỷ đồng.
Đường tỉnh 819 – Kế hoạch giai đoạn 2021-2024 bố trí 188,392 tỷ đồng; Đường cặp kênh Sông Trăng (đoạn từ biên giới đến Thạnh Hưng) – Kế hoạch giai đoạn 2021-2024 bố trí 182,873 tỷ đồng; Các cầu trên tuyến ĐT.831 (đoạn Vĩnh Bình – cửa khẩu Long Khốt và đoạn Vĩnh Hưng – Tân Hưng đi Tân Phước), gồm: Cầu KT2, cầu Thủy Lợi và cầu cái Môn nhỏ, kế hoạch giai đoạn 2021-2024 bố trí 60 tỷ đồng; Nâng cấp đường ra biên giới Bình Phong Thạnh – Bình Thạnh giai đoạn 2 bố trí 13,376 tỷ đồng;
Đường Bình Hòa Đông – Bình Thạnh đến đường tuần tra Biên Giới bố trí 25,943 tỷ đồng; Đường về biên giới xã Mỹ Quý Đông 10,6 tỷ đồng; Đường Chợ xã – Biên giới Trâm Dồ 13,2 tỷ đồng…
Để các mục tiêu, kế hoạch trên, đáp ứng được các yêu cầu, hiệu quả đề ra, Sở Công Thương tỉnh Long An kiến nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ có cơ chế chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển công nghiệp, thương mại (chợ) tuyến biên giới nhằm phát triển đời sống nhân dân giảm tình trạng buôn lậu trên tuyến biên giới. Đồng thời, đề xuất Chính phủ sớm nâng cấp, mở rộng tuyến đường Quốc lộ 62 tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu.
Nguồn: Báo xây dựng