Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh nêu nguy cơ lãng phí tại dự án nông thôn mới ở huyện Cần Giờ
(Xây dựng) – Nội dung trên được Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong Kết luận Thanh tra số 385 về việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn ngân sách tại các dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn huyện Cần Giờ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Cần Giờ làm chủ đầu tư.
Một phần huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao. (Ảnh: Ngô Nguyên) |
Theo đó, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn mẫu một số dự án cụ thể để kiểm tra, dựa trên một số tiêu chí như sau: Dự án có tổng mức đầu tư lớn; có ít nhất một dự án được kiểm tra phân theo từng nguồn vốn đầu tư, gồm ngân sách Thành phố tập trung, ngân sách Thành phố phân bổ có mục tiêu, ngân sách huyện Cần Giờ. Thanh tra Thành phố chọn mẫu 19 dự án để kiểm tra.
Đáng chú ý, cơ quan Thanh tra cho biết 11 dự án, gồm: Kênh, đê, cống thoát nước khu vực Đồng Tròn; Kênh dọc đường Ông Tín; Kênh dọc đường Dương Văn Hạnh; Kênh dọc Đình thờ Dương Văn Hạnh; Kênh dọc đường Ông Ánh; Kênh dọc đường Dương Văn Hạnh giai đoạn 2; Kênh dọc đường Ông Mỹ; Kênh dọc đường Ông Trung; Kênh dọc đường Ông Đột; Kênh dọc đường Ông Hòa; Tuyến đường đê vận chuyển muối từ rạch Mương Thông, Bức Mũ, Đuôi chồn. Đây là các dự án đầu tư thuộc Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).
Theo cơ quan thanh tra, các dự án đã hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư; UBND huyện Cần Giờ đã ban hành các quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với 11 dự án này. Ban Quản lý dự án Cần Giờ cũng đã thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn giám sát thi công; ký hợp đồng thi công, tư vấn giám sát thi công từ năm 2019. Tuy nhiên, đến nay, 11 dự án chưa được khởi công thực hiện do không có mặt bằng thi công, người dân không đồng thuận hiến đất để thực hiện các dự án. Do đó, Ban Quản lý dự án Cần Giờ đang kiến nghị UBND huyện Cần Giờ chấp thuận kết thúc các dự án và quyết toán những chi phí đã giải ngân trong bước chuẩn bị đầu tư.
Tổng chi phí Ban Quản lý dự án Cần Giờ đã nghiệm thu, thanh toán cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư và một phần giai đoạn đầu tư của 11 dự án trên với tổng số tiền là 14.284.727.000 đồng. Bên cạnh đó, sau khi ký hợp đồng, Ban Quản lý dự án Cần Giờ đã cho các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát thi công tạm ứng với tổng số tiền là 30.753.000.000 đồng. Từ tháng 7/2020 đến tháng 10/2021, Ban Quản lý dự án Cần Giờ đã thực hiện thu hồi, hoàn trả ngân sách toàn bộ số tiền tạm ứng 30.753.000.000 đồng nêu trên.
Các dự án này được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân hiến một phần diện tích đất, tài sản, Nhà nước tổ chức thi công hoàn thành công trình”. Nhưng trong hồ sơ lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi của 11 dự án nêu trên, đều xác định nguồn vốn thực hiện là 100% vốn ngân sách Thành phố phân cấp, không có nguồn vốn huy động khác. Như vậy là thực hiện không đúng cơ cấu nguồn vốn tại Đề án nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới xã Lý Nhơn, giai đoạn 2016 – 2020 do UBND Thành phố phê duyệt.
Theo cơ quan thanh tra, việc 11 dự án được triển khai thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư và quyết định đầu tư, trong khi người dân chưa đồng thuận hiến đất, không có mặt bằng thực hiện, dẫn đến các dự án không khả thi và hiện đang được Ban Quản lý dự án Cần Giờ đề xuất dừng thực hiện và quyết toán vốn đầu tư công.
“Như vậy là thực hiện không đúng theo khoản 3 Điều 34 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013 và có nguy cơ lãng phí số tiền 14.284.727.000 đồng đã chi cho các công tác chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư và lựa chọn nhà thầu”, Kết luận Thanh tra nêu rõ.
Cùng đó, Ban Quản lý dự án Cần Giờ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công và tư vấn giám sát thi công, ký hợp đồng thi công, hợp đồng tư vấn giám sát của 11 dự án vào tháng 9/2019, trong khi đã biết tại thời điểm này chưa có mặt bằng thi công là thực hiện không đúng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 7 Luật Đấu thầu năm 2013.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án Cần Giờ cho nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn giám sát tạm ứng tổng số tiền 30.753.000.000 đồng vào thời điểm tháng 10/2019, đến tháng 7/2020 mới yêu cầu nhà thầu hoàn trả tạm ứng; làm cho ngân sách bị chiếm dụng trong thời gian từ 9 tháng đến 2 năm, gây lãng phí vốn.
Mặt khác, có 10/11 dự án được Ban Quản lý dự án Cần Giờ chỉ định thầu Công ty TNHH Tư vấn khảo sát thiết kế và Xây dựng Nam Sài Gòn, thực hiện gói thầu “Lập nhiệm vụ khảo sát; khảo sát địa chất bước lập báo cáo kinh tế kỹ thuật”.
Theo nhật ký khảo sát của 10 dự án thể hiện: Trong cùng thời gian từ ngày 24/4/2018 đến ngày 30/4/2018, nhà thầu thực hiện khoan lấy mẫu và kiểm nghiệm đồng thời tại 10 dự án với 6 nhân sự, gồm: Phan Hồng Anh, Cán bộ kỹ thuật; Nguyễn Tiến Hưng, Đội trưởng khoan; Đoàn Ngọc Long, Đội phó khoan; Nguyễn Bá Giang, Nhân viên; Vũ Phi Trường, Nhân viên; Vũ Ngọc Quyền, Nhân viên. Như vậy nhà thầu thực hiện khoan khảo sát địa chất tại 10 dự án có vị trí khác nhau trong cùng thời điểm với chỉ 6 nhân sự cố định, là bất hợp lý, khó khả thi trên thực tế.
Cơ quan thanh tra đã 2 lần mời Công ty TNHH Tư vấn khảo sát thiết kế và Xây dựng Nam Sài Gòn làm việc để xác minh làm rõ. Tuy nhiên, đơn vị này không đến làm việc và không có ý kiến phúc đáp. Do đó, cần giao cơ quan có chức năng tiếp tục kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có).
Nguồn: Báo xây dựng