Hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận tài chính số toàn diện

Tại Tọa đàm “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh tại Việt Nam”, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Thực tế chứng minh, tài chính toàn diện là vấn đề vô cùng quan trọng về cả mục tiêu, ý nghĩa và vai trò. Nhưng nhìn nhận vấn đề này như thế nào trong tổng thể các chính sách, cơ chế pháp luật, biện pháp quản lý của Nhà nước và làm sao để vận hành một xã hội hướng đến tài chính toàn diện?

“Nguồn lực trong nền kinh tế của chúng ta không hề nhỏ, nguồn lực ngay ở bản thân các doanh nghiệp, nguồn lực từ các gia đình, song chúng ta phải khai thác thế nào, chuyền tải như thế nào để mọi người hiểu rõ và có thể tiếp cận?”, ông Đào Minh Tú nêu vấn đề.

Hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận tài chính số toàn diện
Giúp cho cả những người nghèo, người thu nhập thấp – những đối tượng trước đây chưa từng tiếp cận với dịch vụ tài chính có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính thuận lợi hơn. (Ảnh minh họa: BT)

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, mấu chốt chính là việc Nhà nước xây dựng cơ chế pháp lý và hạ tầng để biến những mong muốn về sự lớn mạnh của tài chính vi mô trở thành hiện thực. Theo ông Đào Minh Tú, tài chính toàn diện có bốn trụ cột quan trọng, cần phải làm, cụ thể gồm: Thứ nhất là hành lang pháp lý, chúng ta đang hoàn thiện hệ thống pháp lý của đất nước, trên cơ sở đổi mới, để tất cả những vấn đề chúng ta đặt ra hôm nay cần phải được vận hành một cách trôi chảy, có ràng buộc nhưng vẫn thuận lợi.

Thứ hai là phải đổi mới, sắp xếp lại một cách có hiệu quả, hay nói đúng hơn là làm rõ các tổ chức cung ứng mô hình dịch vụ tài chính cho các đối tượng yếu thế được thụ hưởng, kể cả của Nhà nước cũng như của thị trường, xã hội như: các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, các công ty tài chính…

Thứ ba là giáo dục nhận thức tài chính và quản lý tài chính toàn diện. Thứ tư chính là vấn đề đang bàn là ứng dụng công nghệ số, ứng dụng công nghệ nền tảng kỹ thuật, công nghệ mới để nó vừa trở thành phương tiện, vừa trở thành nguồn lực hỗ trợ những đối tượng thụ hưởng tài chính toàn diện.

Thực tế, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới đem lại nhiều thuận lợi, tạo ra hướng đi, tạo ra “con đường mới” cho các doanh nghiệp triển khai dịch vụ tiếp cận các đối tượng của tài chính vi mô này. Đây là một xu hướng mang tính thời đại, xu hướng ứng dụng công nghệ số, kho dữ liệu số, công nghệ nền tảng…

Tài chính toàn diện không chỉ giúp các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận dịch vụ tài chính, mà còn là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, góp phần đưa Việt Nam tiến xa hơn trong quá trình hội nhập và phát triển. Với các giải pháp được đề xuất, tài chính toàn diện tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, tạo nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế công bằng, bền vững và bao trùm, nơi mọi người dân và doanh nghiệp đều có thể tiếp cận và tận dụng các dịch vụ tài chính một cách hiệu quả.

Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược).

Chiến lược xác định đối tượng là “Tất cả mọi người dân và doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới nhóm đối tượng mục tiêu là những người sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh”; hướng tới mục tiêu “Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”.

Tiến sĩ Trần Văn – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS, phân tích, thông lệ tốt của thế giới cho thấy việc áp dụng công nghệ giúp các dịch vụ tài chính – ngân hàng có thể được cung cấp ở bất cứ nơi nào, kể cả không có sự hiện diện của ngân hàng. Nhờ đó, những rào cản đối với tài chính toàn diện như thu nhập, chi phí và khoảng cách địa lý gần như được xóa bỏ, giúp cho cả những người nghèo, người thu nhập thấp – những đối tượng trước đây chưa từng tiếp cận với dịch vụ tài chính có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính thuận lợi hơn.

Trong một góc nhìn rộng hơn, tài chính toàn diện là hỗ trợ cho người dân không chỉ tiếp cận vốn để phục vụ đời sống mà còn xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đồng thời hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận vốn, nhất là nguồn vốn ưu đãi, chính sách của Nhà nước.

Thời gian qua, để thực hiện mục tiêu này, ngành Ngân hàng tăng cường các chương trình giáo dục tài chính toàn diện một cách tích cực, đầu tư kinh phí một cách thỏa đáng; tổ chức lại hệ thống ngân hàng, tài chính vi mô để giúp người dân tiếp cận vốn một cách dễ dàng, thuận lợi hơn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Còn theo Thạc sĩ Đoàn Ngọc Khanh – Chánh Văn phòng IDS, qua phân tích 3 khía cạnh cơ bản, có thể nhận thấy xu hướng tích cực về tài chính toàn diện trên phạm vi toàn quốc. Việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã mang lại hiệu quả trong việc giúp người dân tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý hơn.

Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng ở nhóm thu nhập thấp nhất thì rõ ràng mức độ cải thiện cũng như khoảng cách của nhóm này với các nhóm thu nhập cao hơn là rất lớn. Cụ thể, về sở hữu tài khoản, trong năm 2022, tỷ trọng người trưởng thành có tài khoản ngân hàng chỉ đạt 25,1% ở nhóm có mức thu nhập thấp nhất, cách xa đáng kể so với tỷ lệ của nhóm thu nhập cao nhất là 67,9%. Nhóm có thu nhập thấp nhất cũng có mức độ cải thiện thấp nhất về sở hữu tài khoản (chỉ tăng 6% sau 5 năm) trong khi các nhóm thu nhập cao hơn có sự cải thiện vượt trội.

Về hoạt động gửi tiết kiệm, nhóm thu nhập thấp nhất rất ít gửi tiết kiệm tại các tổ chức tài chính và mobile money; mức độ cải thiện của tình trạng này hầu như không đáng kể theo thời gian (tỷ trọng tương ứng chỉ là 5,8% vào năm 2022, tăng rất nhẹ từ mức 5,6% năm 2017).

Về hoạt động thanh toán, khi thanh toán các hóa đơn, tỷ trọng người thu nhập thấp thanh toán từ tài khoản chỉ là 2,9%, trong khi thanh toán tiền mặt là 51,2%. Như vậy, nhóm thu nhập thấp nhất vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt để thanh toán cho các giao dịch hàng ngày và họ cũng ít thực hiện các giao dịch thanh toán qua kênh kỹ thuật số hơn so với các nhóm thu nhập cao hơn.

Tương tự như vậy đối với nhóm doanh nghiệp, tình hình sở hữu tài khoản kém hơn qua thời gian ở cả ba nhóm quy mô (nhỏ – vừa – lớn); khoảng cách về tiếp cận dịch vụ tài chính doãng rộng ra theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp nhỏ. Đối với nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh khả năng tiếp cận tín dụng chính thức cũng rất hạn chế.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích