Phòng chống sai lỗi trong năng suất
Công cụ phòng chống sai lỗi – được biết đến với từ tiếng Nhật là Poka Yoke – được phát triển bởi một nhà tư vấn quản lý người Nhật Bản, Shigeo Shingo.
Công cụ chống sai lỗi với mỗi hoạt động hay một quá trình bao gồm việc phát hiện, nhận dạng và thiết lập hoạt động kiểm tra và ngăn ngừa lỗi trong quá trình. Trong sản xuất, kinh doanh chúng ta hay gặp phải vô khối các loại lỗi hay sự cố như: Các thiết bị vận hành sai chức năng: máy móc đang chạy thì bị dừng, dầu mỡ rò rỉ; Công nhân vận hành lắp ráp sai vị trí, dùng sai dụng cụ, dùng sai vật liệu; Trong quá trình cung cấp dịch vụ thì hay gặp nhất là giao hàng không đúng quy cách, sai hẹn, thậm chí giao hàng không đúng khách hàng…
Thông thường các sai lỗi hay xảy ra trong những trường hợp sau: Quá trình công nghệ, máy móc phải điều chỉnh liên tục; Các chi tiết, dụng cụ, đồ gá lắp thay đổi liên tục; Thiết kế sản phẩm sử dụng quá nhiều vật liệu, bán thành phẩm; Qui trình công nghệ quá phức tạp, nhiều bước; Thiếu các hướng dẫn và tiêu chuẩn; Sản xuất với số lượng lớn; Điều kiện sản xuất không đảm bảo hoặc thay đổi liên tục.
Công cụ phòng chống sai lỗi được sử dụng để loại trừ các loại vấn đề, sự cố và sai lỗi trong quá trình để một quá trình đạt và ổn định từ 3 đến 6 Sigma. Công cụ phòng chống sai lỗi có 3 chức năng chính là: Phát hiện các lỗi, sự cố; Khắc phục các lỗi, sự cố; Ngăn ngừa các lỗi, sự cố. Để đạt được mục đích như vậy, công cụ chống sai lỗi phải có được các đặc điểm là: Có khả năng ngăn ngừa sự cố lặp lại; Chi phí rẻ tiền; Dễ thấy, dễ sử dụng và bảo quản; Bền; Độ tin cậy cao.
Trình tự công việc cần làm bao gồm các bước:
Bước 1: Xác định các lỗi có thể xảy ra ngay cả khi đã có các hành động phòng ngừa. Xem xét lại mỗi bước trong quá trình đồng thời đặt câu hỏi “Trong bước này, lỗi nào có khả năng xảy ra nhất, lỗi con người hay do lỗi thiết bị?”
Bước 2: Quyết định một phương thức phát hiện ra một lỗi hay sự cố máy móc có thể xảy ra hoặc sắp xảy ra. Ví dụ: một đèn báo trong ô tô có thể cho biết liệu lái xe đã thắt dây an toàn hay chưa? Trong một dây chuyền lắp ráp, khay giữ các phụ kiện sẽ giúp cho công nhân phát hiện liệu có chi tiết nào bị thiếu hay không?
Bước 3: Xác định và lựa chọn hành động phù hợp khi sai lỗi được phát hiện. “Thiết bị chống sai lỗi” bao gồm các dạng cơ bản sau:
Kiểm soát: Một hành động có thể tự khắc phục lỗi quá trình, như thiết bị tự động chỉnh lỗi và đánh dấu lỗi.
Dừng hệ thống: Một quy trình hoặc thiết bị ngăn chặn hoặc chấm dứt quá trình khi có lỗi xảy ra. Ví dụ: tính năng tự động tắt của chiếc bàn là dùng tại gia đình.
Trong khi FMEA giúp dự đoán và ngăn ngừa các vấn đề, công cụ chống sai lỗi sẽ nhấn mạnh vào việc phát hiện và khắc phục sai lỗi đó trước khi chúng trở thành lỗi sản phẩm cung cấp cho khách hàng, đặc biệt quan tâm tới một mối nguy cơ xuyên suốt bất kỳ quá trình nào: lỗi do con người gây ra.
Cảnh báo: Báo động cho những người liên quan đến công việc khi có một sai lỗi xảy ra. Người ta thường hay bỏ qua những tín hiệu cảnh báo, vì vậy các công cụ kiểm soát và ngắt hệ thống thường hay được sử dụng. Việc áp dụng những phương thức phát hiện, tự khắc phục, ngăn chặn, chấm dứt hoặc cảnh báo một vấn đề đòi hỏi chúng ta phải có sự nghiên cứu thực tế và tính sáng tạo. Ví dụ một số phương pháp đơn giản nhưng có hiệu quả cao: Đặt mã bằng màu và hình dạng đối với các chất liệu và tài liệu; Các biểu tượng và hình tượng để xác định dễ dàng các vật liệu, chi tiết thường bị lẫn; Lập các bảng liệt kê công việc, các mẫu bảng biểu rõ ràng, các quy trình công việc và cập nhật sơ đồ công việc sẽ giúp ngăn chặn các lỗi xảy ra.
Nam Dương