Một số tồn tại, hạn chế trong đấu giá quyền sử dụng đất tại Ninh Bình

(TN&MT) – Trong giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình đã thực hiện 112 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích 402,71 ha, tổng số tiền thu trên 15.144 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc đấu giá đất phân tán, dẫn đến nguồn lực dàn trải, hiệu quả đầu tư không cao; một số dự dán đấu giá chưa đạt hiệu quả cao, một số dự án đấu giá chưa có hệ thống điện, nước…

Theo báo cáo số 93/BC – UBND ngày 26/07/2021 của UBND tỉnh Ninh Bình thì trong giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn toàn tỉnh, tổng số lô đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất là 27.216 lô (có tổng diện tích 402,71 ha), tổng số lô đấu giá thành công 24.139 lô, tổng số tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất là 15.144,3 tỷ đồng. Ngoài ra, còn đấu giá quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất của 13 khu (trụ sở, trường học, trạm y tế) trên địa bàn 5 huyện, thành phố thu về được 75,84 tỷ đồng.

Trong 8 huyện, thành phố tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất từ 2016 – 2020 thì huyện Hoa Lư và TP. Tam Điệp là 2 địa phương có tỷ lệ đấu giá thành công cao nhất 100%, thấp nhất là huyện Yên Khánh khi tỷ lệ đấu giá thành công chỉ đạt có 65%.

Việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất là nguồn lực lớn để Ninh Bình hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển KT – XH, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thanh toán nợ động xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, việc đấu giá quyền sử dụng đất góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, tạo lập sự ổn định, minh bạch, công bằng trong hoạt động giao đất, cho thuê đất, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và lợi ích của người sử dụng đất, tạo cơ sở cho sự phát triển thị trường bất động sản.

Tổng số tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất trong giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là 15.144,3 tỷ đồng

Tuy nhiên, việc đấu giá quyền sử dụng đất trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc điều tra đất đai, rà soát các khu đất, xác định nhu cầu sử dụng để xây dựng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất của UBND các huyện, thành phố chưa mang tính khoa học, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, dẫn đến tình trạng số lượng các dự án đấu giá đất nhiều, tỷ lệ thực hiện kế hoạch sử dụng đất còn thấp, người tham gia đấu giá mang tính đầu cơ đất đai, nhu cầu về đất ở thực sự rất ít.

Ngoài ra, việc đấu giá đất phân tán, dẫn đến nguồn lực dàn trải, hiệu quả đầu tư không cao. Một số dự án đấu giá còn chưa đạt hiệu quả cao, nhất là các vùng nông thôn, hẻo lánh do giá trị đất thấp. Nhiều cuộc đấu giá quy định thời gian nạp tiền ngắn, gây khó khăn trong việc thu hút nhiều người tham gia đấu giá, còn xảy ra tình trạng chậm nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất so với quy chế đấu giá. Một số địa phương chậm cấp giấu chứng nhận quyền sử dụng đất đối với người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Bên cạnh đó, một số dự án chưa thực hiện xong cơ sở hạ tầng, dẫn đến khi người trúng đấu giá xây dựng nhà ở thì chưa có hệ thống điện, nước và hạ tầng giao thông gây bức xúc người người dân. Việc kiểm soát tỷ lệ lấp đầy các khu đất sau khi đấu giá thành công tại hầu hết các huyện, thành phố chưa được thực hiện, tình trạng để đất không sau khi đấu giá còn nhiều, tỷ lệ lấp đầy còn dưới 30%.

Các địa phương phải nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân các tồn tại, hạn chế trong đấu giá quyền sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020 và có biện pháp khắc phục

Trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất UBND tỉnh Ninh Bình giao UBND các huyện ,thành phố, các sở, ngành tăng cường quản lý chặt chẽ, đảm bảo sử dụng hiệu quả, bảo vệ và phát huy tốt nguồn lực đất đai theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước. Phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, thúc đẩy KT – XH trên địa bàn phát triển bền vững.

Đồng thời, rà soát, đánh giá lại tỷ lệ lấp đầy các khu đất được đấu giá trên địa bàn từng huyện. Kiên quyết chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư hoàn thiện sớm các dự án đã đấu giá đất, chỉ được đấu giá đất khi các dự án đã hoàn thành kết cấu hạ tầng.

Các địa phương phải nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn trên và có biện pháp khắc phục đạt hiệu quả. Việc đấu giá quyền sử dụng đất phải được xem xét kỹ lưỡng trên tinh thần sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Đối với khu đất xen kẹt trong khu dân cư có diện tích nhỏ, không đủ điều kiện lựa chọn chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở, khu dân cư thì thực hiện đấu giá cho các hộ gia đình và cá nhân xây dựng nhà ở.

Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất, coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác quản lý nhà nước về đất đai của chính quyền các cấp ở địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm trong tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tránh gây thiệt hại cho nhà nước, tổ chức và nhân dân.

Bạn cũng có thể thích