Biểu đồ Pareto: Thước đo năng suất trong doanh nghiệp

Mục đích của biểu đồ Pareto là làm nổi bật các yếu tố quan trọng nhất trong một tập hợp yếu tố. Trong kiểm soát chất lượng, biểu đồ thường thể hiện nguyên nhân phổ biến nhất tạo ra khuyết tật, các dạng khuyết tật có tần xuất xảy ra cao nhất, hoặc các vấn đề khiếu nại của khách hàng thường gặp nhất…

Biểu đồ này được nhà kinh tế học người Ý Vilfredo Pareto đưa ra đầu tiên, sau đó được Joseph Juran – nhà nghiên cứu về quản lý chất lượng người Mỹ áp dụng vào lĩnh vực quản lý chất lượng từ những năm 1950. Biểu đồ được ứng dụng dựa trên quy tắc “80-20”, có nghĩa là 80% kết quả là do 20% các nguyên nhân chủ yếu.

Biểu đồ Pareto.

Biểu đồ Pareto được xây dựng theo trình tự các bước sau đây: Xác định các loại sai lỗi; Xác định yếu tố thời gian của đồ thị (ngày, tuần, tháng, năm); Thu thập số liệu về các sai lỗi trong khoảng thời gian đã xác định; Tổng cộng tỷ lệ các sai lỗi là 100%.

Tính tỷ lệ % cho từng loại sai lỗi; Vẽ trục tung và trục hoành, chia khoảng tương ứng với đơn vị thích hợp trên các trục; Vẽ các cột thể hiện từng sai lỗi theo thứ tự giảm dần, từ trái sang phải; trên đồ thị, độ cao của cột tương ứng với giá trị ghi trên trục tung, bề rộng các cột bằng nhau; Vẽ đường tích lũy các sai lỗi; Viết tiêu đề nội dung và ghi tóm tắt các đặc trưng của số liệu được vẽ trên đồ thị.

Khi thực hiện và phân tích biểu đồ, chuyên gia năng suất cần quan tâm đến những cột cao hơn thể hiện sai lỗi xảy ra nhiều, cần được ưu tiên giải quyết. Những cột này tương ứng với đoạn đường cong có tần suất tích lũy tăng nhanh nhất (hay có độ dốc lớn nhất). Những cột thấp hơn (thường là đa số) đại diện cho những sai hỏng ít quan trọng hơn tương ứng với đoạn đường cong có tần suất tích lũy tăng ít hơn (hay có tốc độ nhỏ hơn).

Biểu đồ Pareto có ý nghĩa trong việc lựa chọn mục tiêu hoặc các vấn đề cần tập trung ưu tiên giải quyết, giúp tối ưu hóa việc đầu tư tiền bạc và thời gian. Biểu đồ được áp dụng khi phân tích dữ liệu liên quan đến việc quyết định yếu tố nào quan trọng nhất ảnh hưởng đến vấn đề. Khi sử dụng biểu đồ này, cần áp dụng quy tắc 80 – 20, tức là 20% loại lỗi có tần xuất xảy ra chiếm 80%, đây chính là các vấn đề cần ưu tiên.

Nam Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích