Quảng Ninh xây dựng các cụm công nghiệp xanh để “hút” dòng vốn FDI

(Xây dựng) – Trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, về công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh tập trung các ngành công nghiệp sản xuất có giá trị gia tăng cao (như cơ khí chế tạo ô tô, xe máy,…), cũng như công nghiệp điện, điện tử và vật liệu mới.

Quảng Ninh xây dựng các cụm công nghiệp xanh để “hút” dòng vốn FDI
Nhà máy sản xuất ô tô Thành Công tại KCN Việt Hưng (thành phố Hạ Long) diện tích hơn 192ha phấn đấu đưa vào hoạt động trong quý IV/2024.

Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến đến hết năm 2025, vốn FDI đăng ký đạt khoảng 10 tỷ USD.

Triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch thực hiện với những mục tiêu cụ thể: Vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 2,5-3 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 3-4,5 tỷ USD; vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 1,5-2 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 khoảng 2-3 tỷ USD. Đến năm 2025, tỷ lệ các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng trên 50% và đạt 100% vào năm 2030; tỷ trọng lao động qua đào tạo năm 2025 đạt trên 87,5%, đến năm 2030 đạt trên 90%.

Để hoàn thiện mục tiêu này, việc xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trong tỉnh được quan tâm triển khai. Trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh Quảng Ninh chú trọng đến việc lựa chọn đầu tư một cách có chọn lọc, dựa trên các tiêu chí chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường.

Tỉnh tập trung vào những lĩnh vực như: du lịch, dịch vụ, bảo vệ môi trường; các ngành công nghiệp sản xuất có giá trị gia tăng cao (cơ khí chế tạo ô tô, xe máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp, đóng tàu…), cũng như công nghiệp điện, điện tử và vật liệu mới.

Theo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023, phương án phát triển khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) của địa phương gồm 23 KCN, 3 KKT cửa khẩu và 2 KKT ven biển với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 378.401ha.

Về KCN, có 23 KCN nằm trong phương án phát triển hệ thống KCN tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích là 18.842ha (trong đó có 15 KCN thuộc địa bàn các KKT); hiện đã có 9 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 7 KCN được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐKĐT) và thành lập với tổng diện tích là 3.951,22 ha, trong đó 8 dự án phát triển hạ tầng KCN (thuộc 7 KCN) đã được các chủ đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh hạ tầng và cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện dự án đầu tư; 1 dự án hạ tầng phát triển KCN đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là KCN Bạch Đằng 176,45 ha (thuộc KCN dịch vụ Đầm Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên).

Về KKT cửa khẩu, 3 KKT cửa khẩu nằm trong Quy hoạch phát triển được phê duyệt đã có quyết định thành lập với tổng diện tích trên 144.735ha. Bao gồm KKT cửa khẩu Móng Cái có diện tích 121.197ha, KKT cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn có diện tích 14.236ha, KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh có diện tích 9.302ha.

Về KKT ven biển, 2 KKT ven biển được phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2040 với tổng diện tích trên 230.436 ha. Bao gồm: KKT ven biển Vân Đồn có tổng diện tích là 217.133ha, KKT ven biển Quảng Yên có tổng diện tích 13.303ha.

Tình hình đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp. Quảng Ninh có 9 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. 100% KCN được thành lập có hệ thống xử lý nước thải tập trung phù hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong đó, 6 KCN gồm: KCN Hải Yên, KCN Texhong Hải Hà, KCN Cái Lân, KCN Việt Hưng, KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai đã có dự án đầu tư thứ cấp đang hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việc đánh giá, sàng lọc các dự án FDI, lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh chủ yếu được thực hiện dựa trên khuôn khổ pháp lý như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và những quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật đối với từng ngành, lĩnh vực, quy hoạch tỉnh, định hướng phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng nghiên cứu, tham khảo Bộ tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc đã được Bộ Kế hoạch và Đầu xây dựng, gồm 7 tiêu chí: Lao động, công nghệ, chuyển giao công nghệ, tính liên kết và tác động lan tỏa, môi trường, QP-AN và suất đầu tư. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan đăng ký đầu tư đối chiếu, áp dụng trong quá trình thẩm định những dự án FDI đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và định hướng phát triển KT-XH của quốc gia, của tỉnh.

Cùng với đó, Quảng Ninh quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách cho các KCN, KKT có vai trò quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.

Thời gian qua Quảng Ninh quan tâm hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư. Đến nay, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn có công nghệ hiện đại đầu tư vào tỉnh với quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo thống kê, Quảng Ninh hiện có 188 dự án FDI đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng vốn đầu tư trên 14,6 tỷ USD. Các dự án FDI này chủ yếu được đầu tư vào các KCN, với các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các dự án FDI đầu tư vào các KCN đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 40.600 lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Dự kiến đến hết năm 2025, vốn FDI đăng ký đạt khoảng 10 tỷ USD, bằng 333,3% kế hoạch; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 4,1 tỷ USD, bằng 205% kế hoạch.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích