Đại biểu đề xuất tổ chức lại hệ thống y tế để chống quá tải khám, chữa bệnh

Người dân ngày càng quan tâm đến BHYT

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 24/10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) nhìn nhận, thời gian qua, người dân ngày càng quan tâm đến BHYT, thấy được phải có BHYT thì mới yên tâm, nhất là với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, sau 15 năm thi hành Luật BHYT, có rất nhiều bất cập, cần thiết phải sửa đổi.

Trước hết, theo đại biểu, là nguy cơ vỡ Quỹ BHYT, nếu cứ vận hành như cách của Luật cũ. Đồng thời, vấn đề chuyển tuyến cũng đang là bất cập, dù đã có nhiều thay đổi; quyền, sự chủ động của người có thẻ BHYT cũng chưa được hình thành rõ…

Đại biểu đề xuất tổ chức lại hệ thống y tế để chống quá tải khám, chữa bệnh
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận.

“BHYT đang sử dụng trong nhiều năm nay như một “barie” chống quá tải ở tuyến trên. Với tư cách là người làm việc trong ngành, tôi phản đối điều này, phương pháp này là không nên”, GS Nguyễn Anh Trí nói.

Theo đại biểu, việc sử dụng BHYT như barie chống quá tải hiệu quả đạt được không cao, chỉ ngăn cản được những người “quen biết ít”, và quan trọng nhất là bất bình đẳng trong thụ hưởng BHYT.

Vì vậy, ông Trí cho rằng, phải chống quá tải bằng tổ chức lại hệ thống y tế, để làm thế nào để khi có bệnh thì người dân đến khám chữa nhanh nhất, đầy đủ nhất, tốt nhất có thể. Và có thầy giỏi, thuốc tốt; công bằng, bình đẳng trong thụ hưởng kỹ thuật sử dụng, mức được thanh toán.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đánh giá cao 4 chính sách Chính phủ trình sửa đổi, đặc biệt là chính sách điều chỉnh phạm vi BHYT phù hợp với mức đóng; điều chỉnh theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh.

Trong đó, đại biểu nhấn mạnh, quyền chủ động của người tham gia BHYT phải được nâng cao hơn, để người dân chủ động mua bao nhiêu và khám chữa bệnh, điều trị ở đâu trong phạm vi bảo hiểm mà họ có…

Đại biểu đề xuất tổ chức lại hệ thống y tế để chống quá tải khám, chữa bệnh
Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Cần đơn giản thủ tục mua BHYT theo hộ gia đình

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, việc tham gia BHYT của đối tượng học sinh sinh viên chưa bảo đảm linh hoạt, chưa bảo đảm quyền lợi của các em. Học sinh, sinh viên phải đóng bảo hiểm theo trường học cao hơn mức đóng của họ khi tham gia với tư cách là đối tượng thành viên hộ gia đình.

Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký mua BHYT cần rất nhiều giấy tờ. Để được mua BHYT, người dân phải mang theo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, thẻ BHYT của các thành viên trong gia đình, kèm bản sao chụp các loại giấy tờ trên.

Tuy nhiên, trong thực tế không phải gia đình nào cũng có thể có đủ giấy tờ chứng minh sự vắng mặt của thành viên trong gia đình mình, ví dụ như trường hợp có người nhà tạm thời đi làm nơi khác, làm việc thời vụ, chỗ ở không ổn định…

Những quy định trên khiến việc mua BHYT hộ gia đình đã và đang phát sinh một số bất cập khiến nhiều người dân không muốn mua BHYT, dù vẫn có nhu cầu, thậm chí nhiều người phải bỏ về trong sự ấm ức, vì hồ sơ không đáp ứng đủ điều kiện mua BHYT gia đình.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có văn bản hướng dẫn để thủ tục mua BHYT theo hộ gia đình đơn giản hóa, người dân không cần phải sao chụp thẻ BHYT, giấy tạm trú tạm vắng,.. của các thành viên khác trong gia đình.

Thuận tiện cho người dân, dễ hiểu cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn thành phố Hà Nội) cho biết, tỷ lệ tham gia BHYT của nước ta hiện khá cao, riêng Hà Nội đạt 94,5% dân số, gần như người dân nào đi khám chữa bệnh cũng xuất trình thẻ BHYT. Với những người nghèo, bệnh ung thư, chạy thận… thẻ BHYT như một phao cứu sinh để khám chữa bệnh.

Đại biểu đề xuất tổ chức lại hệ thống y tế để chống quá tải khám, chữa bệnh
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà thảo luận tại tổ.

Về phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT theo dự thảo Luật, bà Hà cho rằng phù hợp. Nhưng Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định các hình thức khám chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình. Vì vậy, BHYT cũng phải được thanh toán với hai hình thức khám chữa bệnh mới này.

Về thanh toán BHYT trong trường hợp vận chuyển người bệnh, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết, hiện nay, nội dung vận chuyển cấp cứu người bệnh chỉ được thanh toán với một số đối tượng tại khoản 3, Điều 12. Bà Hà đề nghị, tất cả bệnh nhân bị cấp cứu mà có thẻ BHYT thì BHYT phải thanh toán, còn trường hợp nào là cấp cứu sẽ do bác sĩ chỉ định theo chuyên môn.

Bên cạnh đó, bà Hà cũng cho rằng, dự thảo Luật mới đề cập đến phạm vi hưởng BHYT trong lĩnh vực khám, chữa bệnh mà chưa quan tâm đến những lĩnh vực, dịch vụ khám sàng lọc, phát hiện sớm như một dịch vụ dự phòng.

“Tôi cho rằng việc sàng lọc phát hiện một số bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư, máu… rất quan trọng. Đây là những bệnh nếu phát hiện sớm sẽ giảm chi phí điều trị, giảm ngân sách Nhà nước, giảm bệnh tật cho người dân, BHYT cần chi trả.

Nhiều nước đã chi trả BHYT đã chi trả khi khám sàng lọc, có nước còn quy định nếu không khám sàng lọc thì khi mắc bệnh ung thư, người dân phải chi trả toàn bộ chi phí điều trị”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết.

Đồng thời, về cấp khám chữa bệnh, bà Hà đề nghị phải có giải pháp để người dân biết mình sẽ khám bệnh, chữa bệnh ở cơ sở nào, tạo trật tự khám bệnh, chữa bệnh, cũng như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh biết mình đang ở cấp nào để phục vụ người dân.

Cũng theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao tại các cơ sở y tế và xử lý như thế nào khi người dân có thẻ BHYT nhưng đi khám chữa bệnh lại chưa có thuốc, vật tư tư tiêu hao đang được người dân rất quan tâm.

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư, quy định về thanh toán chi phí thuốc, trang thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh mà không có thuốc, vật tư tiêu hao. Đồng thời, Bộ Y tế quy định chỉ thanh toán với thuốc hiếm, nhưng thực tế các cơ sở khám chữa bệnh đang thiếu rất nhiều loại thuốc khác nhau, không chỉ là thuốc hiếm.

Tuy nhiên, việc tổ chức thanh toán hiện nay rất khó khăn. Do đó, đại biểu đề nghị có quy định rõ ràng, thống nhất, đồng bộ về việc này; tạo thuận tiện cho người dân và dễ hiểu cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích