Thạch Thất (Hà Nội): Xã Đồng Trúc phát huy lợi thế địa phương trong xây dựng nông thôn mới
(Xây dựng) – Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội) từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu đời sống nhân dân.
Các tuyến đường được bê tông hoá, nhựa hóa phục vụ cho nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt của người dân. |
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thạch Thất; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đồng Trúc đã đồng lòng, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của, để nâng cao chất lượng các tiêu chí và thực hiện xây dựng thành công “Xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, giai đoạn 2011-2015”; “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023” và mới đây là “Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn xã từng bước được nâng lên. Cơ sở hạ tầng: Điện, đường, trường, trạm, trụ sở làm việc, công trình văn hoá xã, thôn… đáp ứng được nhu cầu đời sống nhân dân.
Thu nhập bình quân đầu người của xã trong năm 2023 đạt 82,83 triệu đồng. Tỷ lệ nghèo đa chiều đáp ứng tiêu chí theo quy định; 100% số hộ được dùng điện an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; số hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 100%; 100% các tuyến đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn và đường ngõ xóm được bê tông hoá, nhựa hóa phục vụ cho nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt của người dân; hệ thống đường trục chính nội đồng, kênh mương, các công trình thuỷ lợi thường xuyên được cứng hoá, nâng cấp cải tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tại của xã; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 88,82%.
Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm tổ chức thu gom và xử lý rác thải đạt 100% khối lượng rác thải; duy trì tốt các điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt, 100% số dân sử dụng nước hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, xã đã triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống, văn hoá”. Đến nay, đã có 4/4 thôn có nhà văn hoá, 4/4 thôn đạt và duy trì danh hiệu “Thôn văn hoá”; 1.755/1.795 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 97,8%; công tác quản lý, bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo các di tích lịch sử, di tích văn hoá được quan tâm; thực hiện tốt quản lý các Lễ hội truyền thống ở xã và các hoạt động văn hóa, tôn giáo đúng quy định, duy trì xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, tỷ lệ người dân tham gia BHYT là 95,1%. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học được quan tâm đầu tư nhiều, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Công tác thông tin tuyên truyền được triển khai rộng rãi, với nhiều hình thức, đã xây dựng các chuyên mục về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để nhân dân nắm bắt được mục đích, ý nghĩa từ đó đồng thuận tham gia.
Trong những năm qua, ngành sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ, xã đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cơ giới hoá một số khâu trong sản xuất lúa như: Làm đất, gặt máy, liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi… góp phần tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Công tác vệ sinh môi trường nông thôn thường xuyên được triển khai thực hiện tốt, không có tình trạng ùn đọng rác thải gây bức xúc trong nhân dân.
Theo ông Nguyễn Đình Nghi, Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc, toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân của xã xác định chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn, tổng thể, toàn diện nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân ở nông thôn. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện xã đã chọn những giải pháp mang lại hiệu quả cao và phù hợp với đặc điểm của địa phương. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã đánh giá đúng thực trạng ở nông thôn, tìm ra tiềm năng lợi thế để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nông dân, bằng việc xây dựng cánh đồng lúa năng suất, chất lượng cao, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại, lợi thế của địa phương.
Nguồn: Báo xây dựng