Quảng Ninh: Nhiều chợ biên giới hoạt động hiệu quả, ổn định
(Xây dựng) – Trong tổng số 14 chợ biên giới đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì có 12 chợ hoạt động kinh doanh hiệu quả, ổn định; đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực, hàng hóa lưu thông thuận lợi, đa dạng.
Quảng Ninh có 4 trung tâm thương mại khu vực biên giới, nằm trên địa bàn thành phố Móng Cái, 2 siêu thị nằm trên địa bàn khu vực biên giới thuộc thành phố Móng Cái. |
Báo cáo về hiện trạng hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn của Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 20 cơ sở hạ tầng thương mại biên giới bao gồm: 15 chợ, 2 siêu thị, 4 trung tâm thương mại.
Các chợ, trung tâm thương mại nói trên là nơi trưng bày, giới thiệu, mua bán hàng hóa của người dân biên giới, thực hiện lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam, Trung Quốc và kết hợp là những điểm du lịch.
Đối với các chợ biên giới trên địa bàn, tổng số chợ biên giới của tỉnh Quảng Ninh có 14 chợ gồm: Thành phố Móng Cái có 8 chợ, huyện Hải Hà có 3 chợ, huyện Bình Liêu có 04 chợ. Tổng số điểm kinh doanh hiện tại các chợ là 3.448 điểm kinh doanh.
Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đánh giá, trong tổng số 14 chợ biên giới đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì có 12 chợ hoạt động kinh doanh ổn định, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực, hàng hóa lưu thông thuận lợi, đa dạng.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh có 4 trung tâm thương mại khu vực biên giới quy mô thuộc hạng 3, nằm trên địa bàn thành phố Móng Cái và 2 siêu thị nằm trên địa bàn khu vực biên giới thuộc thành phố Móng Cái.
Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở hạ tầng thương mại hiện đại nói trên vẫn đang hoạt động. Việc xây dựng và đi vào hoạt động của các cơ sở hạ tầng này góp phần là một điểm đến du lịch, điểm mua sắm uy tín, tin cậy cho người dân, du khách khi đến tham quan, mua sắm trên địa bàn thành phố Móng Cái nói riêng và khu vực miền đông, tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Việc xây dựng và đi vào hoạt động của các cơ sở hạ tầng này đã góp phần là một điểm đến du lịch, điểm mua sắm uy tín. |
Theo Sở Công Thương, tỉnh Quảng Ninh có 3 địa phương có vị trí địa lý giáp danh chung đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc là thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà và huyện Bình Liêu.
Do đó, việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hàng hóa thông qua các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu vực mua sắm tại các địa bàn nói trên đã và đang được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho các thương nhân thực hiện theo quy định pháp luật.
Hàng năm, Sở Công thương Quảng Ninh đã tổ chức, xác nhận, tiếp nhận các Chương trình xúc tiến thương mại tại 3 địa phương. Từ năm 2021 đến hết tháng 5/2024, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thành công 12 hội chợ triển lãm, tuần hàng xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn 3 địa phương.
Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần giúp các cá nhân, tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kích cầu tiêu dùng; giúp người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn để mua sắm và tiếp cận đến các chính sách có lợi cho khách hàng của các thương nhân tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn.
Để thúc đẩy hạ tầng thương mại biên giới phát triển, trong đó có lĩnh vực vực chợ, tỉnh Quảng Ninh đề xuất Bộ Công Thương bổ sung, thống nhất quy định về điều kiện xây dựng dự án, công trình trong khu vực Biên giới tại Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các chợ biên giới hoạt động có hiệu quả, Sở Công Thương Quảng Ninh đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị với phía Trung Quốc có chính sách ưu tiên, cơ chế hỗ trợ để điều tiết hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới tỉnh Quảng Ninh, đẩy mạnh phát triển cặp chợ biên giới.
Đối với lĩnh vực trung tâm/khu logistics, tỉnh Quảng Ninh đề xuất Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào xây dựng, trung tâm/khu logistics.
Hàng năm, Sở Công Thương Quảng Ninh đã tổ chức, xác nhận, tiếp nhận các chương trình xúc tiến thương mại tại 3 địa phương. |
Ngoài ra, Sở Công Thương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các địa phương chủ động rà soát các quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất. Từ đó, hình thành trung tâm/khu logistics hoạt động ổn định, khách hàng yên tâm khi sử dụng dịch vụ cung ứng tại các cơ sở nói trên.
Nguồn: Báo xây dựng