Đồng Nai: Thúc đẩy tiến độ chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1
(Xây dựng) – Việc triển khai Đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) thành Khu đô thị – Thương mại – Dịch vụ và cải thiện môi trường hiện đang chậm tiến độ ở tất cả các công đoạn. Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, nếu đơn vị nào tiếp tục chậm trễ, sẽ bị xử lý kỷ luật.
Một phần Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nằm bên bờ sông Đồng Nai. (Ảnh: Nguyên Dũng) |
Chậm ở tất cả các công đoạn
Liên quan việc thực hiện di dời, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, mới đây ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì buổi làm việc với các Sở, ngành, các đơn vị liên quan. Tại buổi làm việc, theo báo cáo của các cơ quan chức năng thì hiện nay tình trạng chậm tiến độ thực hiện của Đề án khá nặng nề.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, thực hiện Thông báo kết luận số 494/TB-UBND ngày 26/8/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian qua các đơn vị liên quan đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, tuy nhiên tiến độ thực hiện vẫn đang rất chậm. Do đó, Sở này chưa có cơ sở để xây dựng, triển khai tiến độ công việc tiếp theo.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, hiện nay cả 6 nội dung trong Đề án đều chậm tiến độ. Trong đó gồm các công đoạn: Di dời doanh nghiệp; xây dựng nghị quyết cơ chế chính sách hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng; xây dựng cơ chế, chính sách giải pháp liên quan chi phí hỗ trợ đời sống người lao động và ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực; lập hồ sơ chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu trung tâm chính trị của tỉnh; đầu tư xây dựng các tuyến đường trong nội bộ khu 1 – Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1; lập Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận dự án để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, về vấn đề di dời doanh nghiệp, theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ có 14 doanh nghiệp dời đi trước ngày 30/12/2024, tuy nhiên đến hiện tại chưa có doanh nghiệp nào dời đi. Về vấn đề xây dựng nghị quyết cơ chế chính sách hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng thì hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai vẫn đang ở giai đoạn tổng hợp các ý kiến của các đơn vị liên quan.
Sau khi chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ trở thành Khu đô thị – Thương mại – Dich vụ và Trung tâm hành chính của tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Nguyên Dũng) |
Đối với vấn đề xây dựng cơ chế, chính sách giải pháp liên quan chi phí hỗ trợ đời sống người người lao động và ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai vừa khảo sát nhu cầu của người lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết người lao động đều có nguyện vọng được nghỉ hưu, nhận bảo hiểm thất nghiệp, vay vốn tạo việc làm hoặc học nghề, không cùng doanh nghiệp về nơi mới.
Đối với nội dung khai thác quỹ đất vùng phụ cận dự án để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thì các các Sở, ngành liên quan khẳng định Đề án không phù hợp các quy định pháp luật, cả trước và sau khi luật Đất đai 2023 có hiệu lực. Hai nội dung “lập hồ sơ chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu trung tâm chính trị của tỉnh” và “đầu tư xây dựng các tuyến đường trong nội bộ khu 1 – Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1” cũng đều đang… dậm chân tại chỗ.
Theo đó, các nội dung triển khai kế hoạch thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp chậm trễ di dời khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 do còn chờ cơ chế chính sách hỗ trợ, đồng thời lên phương án, kế hoạch, lộ trình, chi phí di dời được phù hợp. Trong khi đó, việc di dời các hộ dân còn lại trong khu vực Khu công nghiệp Biên Hòa 1 do UBND thành phố Biên Hòa thực hiện cũng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái dịnh cư. Mặt khác, các quy định pháp luật liên quan hiện có sự thay đổi, nên tiến độ thực hiện các công đoạn của Đề án đã bị ảnh hưởng theo.
Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đang kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét đề xuất của UBND thành phố Biên Hòa về việc được kế thừa hồ sơ bồi thường, các quyết định phê duyệt phương án bồi thường của các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đồng thời khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh dự thảo chính sách bồi thường, hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án theo quy định pháp luật hiện hành; rà soát quy định Luật Đất đai 2024 để tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất trong trường hợp Đề án khai thác quỹ đất không còn cơ sở pháp lý để thực hiện.
Nếu tiếp tục chậm trễ sẽ xem xét xử lý kỷ luật
Tại buổi làm việc, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, tiến độ triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 như vậy là quá chậm. Chỉ riêng Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ lập dự toán kinh phí để tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ di dời các nhà máy, xí nghiệp cũng chưa hoàn thành. Về việc điều chỉnh quy hoạch, thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch, tiến độ triển khai các tuyến đường cũng chậm.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu các Sở, ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao phải đẩy nhanh tiến độ làm việc. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc tiến độ các bước triển khai, nếu có các tình tiết mới nảy sinh phải tổng hợp nhanh, tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy có ý kiến.
Việc triển khai chuyển đổi công năng di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện nay đang rất chậm. (Ảnh: Nguyên Dũng) |
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã phê bình các đơn vị để diễn ra tình trạng chậm tiến độ, đồng thời yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phải xây dựng xong cơ chế chính sách hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng trong tháng 10/2024 trình lên UBND tỉnh. Theo ông Võ Tấn Đức, đây là phần việc quan trọng, tạo cơ sở pháp lý thu hồi đất triển khai Đề án.
“Các đơn vị còn lại khẩn trương hoàn thiện các phần việc liên quan. Từ nay Văn phòng UBND tỉnh sẽ theo dõi tiến độ triển khai nhiệm vụ, nếu đơn vị nào tiếp tục chậm trễ, sẽ bị xử lý kỷ luật”, ông Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là Khu công nghiệp lâu đời nhất tại Việt Nam, hình thành từ năm 1963. Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đã đến lúc “hoàn thành sứ mệnh”, hiện không đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, tuy nhiên có vị trí rất đắc địa bên Quốc lộ 1 và sông Đồng Nai, khu vực Ngã tư Vũng Tàu. Từ năm 2009, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị – Thương mại – Dich vụ. Do khó khăn, vướng mắc về nhiều mặt, việc di dời, chuyển đổi công năng vẫn chưa được thực hiện xong.
Tháng 2/2024, tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị – Thương mại – Dịch vụ và cải thiện môi trường. Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có diện tích hơn 330ha, tại đây hiện có hơn 70 doanh nghiệp đang thuê đất. Theo Đề án, giai đoạn 1 tỉnh Đồng Nai sẽ di dời 14 doanh nghiệp, hoàn thành vào cuối tháng 12/2024; giai đoạn 2 đến cuối tháng 12/2025 sẽ di dời xong tất cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc khó xử lý.
Theo kế hoạch của tỉnh Đồng Nai, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sau khi di dời xong các doanh nghiệp sẽ được xây dựng thành 2 khu vực là Khu vực Trung tâm chính trị – hành chính của tỉnh Đồng Nai rộng khoảng 44ha và Khu đô thị – dịch vụ Biên Hòa 1 với diện tích hơn 280ha.
Nguồn: Báo xây dựng