Tái diễn những vi phạm về trật tự đô thị
Nhan nhản vi phạm
Gắn quản lý trật tự đô thị với phòng, chống dịch là cách làm hay đã được nhiều địa phương trên địa bàn Thành phố thực hiện tốt trong thời gian qua. Một số tuyến phố tập trung nhiều quán bia hơi như: Cửa Bắc, Trấn Vũ (quận Ba Đình); Hàng Vải, Đường Thành, Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm); Tăng Bạt Hổ, Hàng Chuối (quận Hai Bà Trưng); ven hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa)… cũng đều đã được xử lý cơ bản. Bên cạnh đó, những điểm nóng về chợ tạm, chợ cóc như ở phố Nguyễn Khắc Cần (quận Hoàn Kiếm); chợ tạm Nguyễn Cao (quận Hai Bà Trưng); chợ cóc ở phố Tôn Thất Thiệp; chợ tạm khu 7,2 ha Vĩnh Phúc (quận Ba Đình)… đều đã được chấn chỉnh. Tương tự, trước đây, chợ “cóc” họp hai bên lề đường thôn Yên Thường (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm) bày tràn lan hàng hóa ra vỉa hè lòng đường, xe máy, ô tô dừng mua hàng đỗ lòng đường giờ cũng đã thông thoáng hơn.
Sau khi mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh, vi phạm về trật tự đô thị lại bùng phát trở lại trên phố Phùng Hưng (Ảnh chụp chiều 17/10) |
Tuy nhiên, cùng với việc mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới, nền “kinh tế vỉa hè” vốn ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân Thủ đô đã có dấu hiệu tái vi phạm. Theo ghi nhận của phóng viên trong các ngày 16-17/10, tại một số tuyến đường, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, phố Phùng Hưng, phố Nguyễn Hữu Huân; khu vực xung quanh Bến xe Mỹ Đình, Hoàng Trọng Mậu, phố Mễ Trì Hạ, khu đô thị Mễ Trì Hạ, quận Cầu Giấy; khu vực phố Phan Kế Bính, quận Ba Đình… nhiều hộ kinh doanh ngang nhiên vi phạm các quy định về phòng, chống dịch, lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh.
Chị Nguyễn Thị Bình, một người dân quận Ba Đình, cho biết, theo quy định, Thành phố chỉ cho phép các cửa hàng bán trong nhà với điều kiện có vách ngăn, đảm bảo khoảng cách, khách đến quán phải khai báo y tế… Tuy nhiên, một nhà hàng ngã tư Phan Kế Bính, Linh Lang vẫn vi phạm quy định. “Không chỉ vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 như đảm bảo khoảng cách, yêu cầu khách khai báo y tế… trong quá trình hoạt động, cơ sở này vẫn cho khách để xe dưới lòng đường” – chị Bình cho hay.
Công tác quản lý trật tự đô thị luôn là một trong những bài toán khó đối với bất cứ địa phương nào, nền “kinh tế vỉa hè” từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân Thủ đô. Khi các lực lượng chức năng làm mạnh, làm quyết liệt, người dân càng có nhiều cách đối phó. Vì thế, không ít người đã không còn tin tưởng vào mục tiêu, mục đích của các chiến dịch, các kế hoạch lập lại trật tự đô thị. |
Tương tự, trên phố Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm, hàng chục quán cà phê khi được mở cửa trở lại đã chiếm dụng vỉa hè làm nơi đỗ xe, vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự đô thị. Thậm chí, nhiều quán còn kê san sát các dãy bàn cạnh nhau, tập trung đông người, không tuân thủ nguyên tắc 5K, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tình trạng ô tô lấn chiếm vỉa hè, dưới lòng đường cũng diễn ra tràn lan. Không khó để nhận ra từng hàng xe đỗ dài trên các tuyến phố: Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm; Phan Kế Bính, quận Ba Đình; Kim Ngưu, Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng… gây mất trật tự đô thị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
“Nới lỏng” nhưng không buông lỏng
Có thể nói, sau khi từng bước đẩy lùi dịch bệnh, việc Thành phố tiến hành nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép một số loại hình kinh doanh hoạt động trở lại là hết sức cần thiết nhằm phục hồi nền kinh tế, hạn chế mức độ ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung, công tác quản lý trật tự đô thị vẫn phải là việc làm thường xuyên, hàng ngày. Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, nguy cơ tái bùng phát bất cứ lúc nào thì chính quyền các địa phương cần kiên quyết, quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt đối với các vi phạm trật tự đô thị, phòng chống dịch. Bởi việc chấp hành các quy định tại khu vực kinh doanh này còn bộc lộ bất cập. Việc thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm của các lực lượng chức năng sẽ góp phần đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị, cũng như góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Cùng với đó, người dân cũng cần phải tiếp tục nêu cao tinh thần tự giác, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà lơi là trong phòng, chống dịch Covid-19.
Ảnh chụp một góc phố Nguyễn Hữu Huân chiều 17/10 |
Được biết, nhằm đẩy mạnh sự tham gia của người dân trong công tác quản lý trật tự đô thị, Ban Chỉ đạo 197 Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-BCĐ về triển khai Kênh tuyên truyền, tiếp nhận thông tin của người dân về tình hình trật tự đô thị, trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô qua mạng xã hội Facebook. Ví dụ như trang Fanpage: facebook.com/bcd197hanoi do Công an thành phố Hà Nội, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội quản trị, đăng bài, quản lý, vận hành.
Thông tin từ người dân dưới dạng văn bản, hình ảnh, video clip, file ghi âm sẽ được gửi về qua tin nhắn của Fanpage trên. Mọi thông tin được tiếp nhận, xử lý qua trang Fanpage đều được lưu trữ dưới dạng văn bản để làm căn cứ kiểm tra, đánh giá việc xử lý giải quyết tin báo của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp cũng như giải quyết khi người dân có khiếu nại, thắc mắc về việc tiếp nhận, xử lý tin báo của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Việc triển khai thêm mô hình này cho thấy tính cầu thị của Thành phố trong việc tiếp nhận phản ánh cũng như mong muốn xử lý dứt điểm các vi phạm.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đô thị cho rằng, đây vẫn là “thời điểm vàng” để tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý trật tự đô thị. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn khó lường thì công tác phòng, chống lây lan của dịch sẽ là vấn đề được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng thời cần tranh thủ sự đồng thuận của người dân để tạo chuyển biến về nhận thức, thói quen kinh doanh, buôn bán vỉa hè, phát huy tối đa tư tưởng, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong việc quản lý trật tự đô thị./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô