Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự thảo Luật Nhà giáo qua các phiên bản đã có sự điều chỉnh theo hướng ngắn gọn, thống nhất với Luật Viên chức và Bộ luật Lao động trong một số quy định, đồng thời thiết kế các nội dung chính sách riêng cho nhà giáo.
Luật Nhà giáo kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo, giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến với nghề; đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo, lấy đó làm yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.
Luật Nhà giáo kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo. (Ảnh minh họa) |
Dự thảo Luật Nhà giáo bản trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV gồm 9 chương, 50 điều. Dự thảo Luật Nhà giáo được điều chỉnh, cập nhật các quy định về chức danh nhà giáo theo hướng ngắn gọn, các quy định chi tiết được hướng dẫn tại văn bản dưới Luật.
Đối với việc xếp hạng chức danh nghề nghiệp nhà giáo, theo quy định hiện nay, cơ bản viên chức vẫn đang được xếp lương theo trình độ đào tạo, gắn với hạng chức danh nghề nghiệp. Nhà giáo cũng là viên chức, nên bảng lương nhà giáo đang thực hiện theo bảng lương chung của viên chức.
Mặc dù Đề án cải cách tiền lương mới đã định hướng việc trả lương theo vị trí việc làm, nhưng tại thời điểm hiện nay, quy định về hệ thống tiền lương viên chức vẫn đang thực hiện theo trình độ đào tạo gắn với hạng chức danh nghề nghiệp.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi của nhà giáo, các quy định về chức danh nghề nghiệp gắn với hạng chức danh nghề nghiệp cơ bản sẽ thực hiện thống nhất như hiện hành.
Tuy nhiên, vì đối tượng áp dụng của Luật Nhà giáo bao gồm cả nhà giáo ngoài công lập, nên việc áp dụng quy định hạng với nhà giáo ngoài công lập cần có các thiết kế riêng. Vì vậy, tại dự thảo mới, những nội dung quy định cụ thể về xếp hạng, bổ nhiệm hạng sẽ được hướng dẫn bởi văn bản dưới Luật.
Một trong những quan điểm, định hướng quan trọng của Luật Nhà giáo là chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo.
Theo đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản và một số chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm.
Với hệ thống chức danh, nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập sẽ thực hiện thống nhất với các tiêu chuẩn, tiêu chí chung đảm bảo đồng bộ, đáp ứng chất lượng chung để thực hiện nhiệm vụ.
Điều này đồng nghĩa với việc đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận hệ thống giáo dục có chất lượng được thực hiện bởi những nhà giáo có chất lượng như nhau không phân biệt công, tư.
Nguồn: Báo lao động thủ đô