Để Mộc Châu trở thành đô thị du lịch xanh, thông minh vươn tầm thế giới
(Xây dựng) – Ngày 22/10, tại Hà Nội, Hội đồng phân loại đô thị quốc gia thống nhất bỏ phiếu thông qua Đề án đề nghị công nhận đô thị Mộc Châu, tỉnh Sơn La đạt tiêu chí đô thị loại IV. Để đô thị Mộc Châu trở thành đô thị xứng tầm quốc gia và quốc tế như định hướng, địa phương cần quan tâm đến công tác quản lý kiến trúc và quy hoạch, xây dựng những công trình kiến trúc mang đậm bản sắc bản địa và tạo điểm nhấn.
Một góc huyện Mộc Châu. (Ảnh: Phượng Nguyễn) |
Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch
Huyện Mộc Châu có diện tích tự nhiên là 1.072,09km2, chiếm 7,59% diện tích của tỉnh Sơn La. Mộc Châu có vị trí quan trọng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng; là vùng trọng điểm phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch của tỉnh.
Ngày 22/4/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Việc được công nhận là Khu du lịch quốc gia sẽ tạo động lực quan trọng để tỉnh Sơn La nói chung, hai huyện Mộc Châu, Vân Hồ nói riêng tiếp tục nỗ lực phấn đấu đưa du lịch nơi đây ngày càng phát triển, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới, xứng tầm là khu du lịch quốc gia.
Mộc Châu đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch thu hút khách du lịch. (Ảnh: Ngọc Hà) |
Tại buổi lễ công bố quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu vào tối 18/5, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Để Khu du lịch quốc gia Mộc Châu ngày càng phát triển xứng tầm khu du lịch quốc gia, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch; hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí đã đạt được của khu du lịch quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển ứng dụng du lịch thông minh; tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát huy thương hiệu du lịch “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”.
Phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu phù hợp với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ và trở thành một trong những khu du lịch quốc gia trọng điểm của cả nước.
Trong Đề án đề nghị công nhận đô thị Mộc Châu đạt tiêu chí đô thị loại IV, UBND huyện nhận định, đô thị Mộc Châu đã hội tụ đầy đủ các điều kiện cần thiết để đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV. Được công nhận là đô thị loại IV sẽ là cơ sở, là tiền đề để trở thành thị xã theo Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Do đó, việc lập đề án đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận huyện Mộc Châu đạt tiêu chí đô thị loại IV là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế, thúc đẩy sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như việc đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại và phát triển đô thị bền vững.
Cần xây dựng Mộc Châu thành đô thị có bản sắc
Phát biểu tại Hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công đô thị Mộc Châu đạt tiêu chí đô thị loại IV, nhiều chuyên gia và các nhà quản lý đã cùng góp ý để Mộc Châu hoàn thiện các tiêu chí nhằm xây dựng một đô thị vươn tầm quốc tế, vừa đảm bảo xanh, thông minh bền vững vừa giữ vững bản sắc văn hoá dân tộc.
Ở góc nhìn của mình, bà Phan Thị Thanh Mai, Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Trong chương trình phát triển đô thị thì dự án ưu tiên đầu tư rất quan trọng. Mộc Châu đang thu hút nhiều dự án đầu tư để phát triển nông nghiệp và phát triển du lịch. Tuy nhiên, khu vực dân cư và đô thị không phục vụ du lịch thì chưa thực sự đạt được bản sắc riêng.
Đây là khu du lịch quốc gia, có nhiều tiềm năng, cho nên để Mộc Châu trở thành đô thị có bản sắc riêng, phải quản lý đô thị bài bản từ thiết kế cảnh quan, kiến trúc công trình dân cư, biển quảng cáo… Nên thực hiện thiết kế đô thị cho những trục đường quan trọng, tạo ra diện mạo thu hút du lịch. Mặc dù Mộc Châu đã thiết kế nhiều công trình kiến trúc dành cho khách du lịch nhưng vẫn có điều gì đó chưa thoả mãn cho khu vực dân cư hiện hữu.
PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng. (Ảnh: Ngọc Hà) |
Là một nhà nghiên cứu nhiều kinh nghiệm về phát triển đô thị, PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng thấy rằng, đô thị Mộc Châu hết sức đặc biệt. Qua báo cáo của tỉnh cho thấy, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã 2 lần được vinh danh là điểm đến thiên nhiên hàng đầu của châu Á và thế giới. Do vậy, PGS.TS Lưu Đức Hải đặt câu hỏi: “Tại sao Mộc Châu được vinh danh như vậy? Và muốn gìn giữ Mộc Châu, chúng ta cần biết kết hợp thiên nhiên với thiết kế nhân tạo để biến Mộc Châu từ 1 điểm du lịch thành đô thị du lịch”.
PGS.TS Lưu Đức Hải dẫn chứng, Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL ngày 22/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La sẽ tạo động lực quan trọng để tỉnh Sơn La nói chung, hai huyện Mộc Châu, Vân Hồ nói riêng tiếp tục nỗ lực phấn đấu đưa du lịch nơi đây ngày càng phát triển, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới, xứng tầm là khu du lịch quốc gia.
Trong Quyết định số 315/QĐ-UBND ngày 7/2/2024 của UBND tỉnh Sơn La Quy hoạch chung đô thị Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2040, có 2 tính chất quan trọng xác định: Quy hoạch chung đô thị Mộc Châu đến năm 2040 xác định Mộc Châu là đô thị xanh, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh; mang bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và khí hậu đặc trưng cao nguyên; phát triển bền vững và toàn diện…
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã đến với Mộc Châu như: Sun Group, Vingroup… và đã có 47 dự án được chấp thuận đầu tư, cho thấy tính hấp dẫn của đô thị Mộc Châu. Như vậy, khi đã phê duyệt quy hoạch đô thị Mộc Châu thành đô thị xanh; thì tỉnh Sơn La và huyện Mộc Châu cần gìn giữ đô thị này vì nó rất đặc biệt và hiện quy mô còn nhỏ, dễ quản lý. Tránh trường hợp như nhiều đô thị khác phát triển quá ồ ạt và đánh mất bản sắc. Do vậy, trong quá trình quy hoạch, phải kiểm soát từng nét bút của nhà đầu tư, không phá hỏng cảnh quan như nhiều đô thị khác, hạn chế san nền.
Mộc Châu cần thể hiện rõ nét bản sắc văn hoá trên kiến trúc, lễ hội, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. (Ảnh: Ngọc Hà) |
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Mộc Châu là đô thị cuối cùng của Việt Nam sở hữu tài nguyên hiếm có, chúng ta đang làm rất tốt và cần được gìn giữ tốt hơn nữa. Việc được vinh danh là khu du lịch hàng đầu thế giới hay châu Á không tự nhiên mà có. Trong Nghị quyết 06 – NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 có định hướng: Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế…
Câu hỏi đặt ra, Sơn La có dám nghĩ Mộc Châu là đô thị nhỏ nhưng sẽ trở thành đô thị hàng đầu quốc tế hay không? PGS.TS Lưu Đức Hải cho rằng, Mộc Châu cần nêu bật bản sắc dân tộc của mình trong 54 dân tộc anh em. Bản sắc ấy thể hiện trên kiến trúc, lễ hội, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể như thế nào? Với những lợi thế về thiên nhiên ban tặng, Mộc Châu sẽ phải làm gì để hài hoà kiến trúc cảnh quan hạ tầng đô thị trong từng công trình sao cho xứng tầm di sản. Để trong tương lai, Mộc Châu trở thành đô thị sinh thái hàng đầu thế giới chứ không phải du lịch thiên nhiên như hiện tại.
Nguồn: Báo xây dựng