Hà Tĩnh: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh
(Xây dựng) – Đoàn giám sát HĐND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cần quan tâm tới tính khả thi, của việc quy hoạch các khu vực mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường; việc xử lý các đơn vị không hoàn trả môi trường sau khi đóng cửa mỏ; việc chấp hành pháp luật trong đấu giá khai thác khoáng sản…
Trưởng đoàn Giám sát Trần Tú Anh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc. |
Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Hà Tĩnh vừa có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023.
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Sở tập trung cho công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập các nghị quyết của cấp trên về quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường và tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến đối tượng chịu sự tác động. Nhờ đó, ý thức tuân thủ pháp luật về khoáng sản của người dân và doanh nghiệp ngày càng được nâng lên, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trương Văn Cường làm rõ một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành. |
Cùng với đó, đơn vị đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong tỉnh rà soát, tổng hợp, khoanh định chi tiết các khu vực thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 với 191 khu vực mỏ. Từ năm 2020 đến năm 2023, Sở đã tổ chức thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường đối với 23 mỏ; tham mưu cấp 25 giấy phép thăm dò khoáng sản, phê duyệt trữ lượng tại 24 mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền; tham mưu cấp mới 23 giấy phép khai thác khoáng sản.
Ban hành và triển khai phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã góp phần chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và thất thoát tài nguyên khoáng sản. Theo đó, đã tiến hành kiểm tra tại 147 lượt tại các đơn vị hoạt động khoáng sản. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính 31 đơn vị, với tổng số tiền xử phạt 1,748 tỷ đồng.
Thực hiện công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, sau khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản thông báo giấy phép hết hiệu lực, yêu cầu thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ. Từ năm 2020 đến nay có 62 mỏ khai thác khoáng sản đã hoàn thành công tác đóng cửa mỏ theo quy định.
Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác đấu giá, cấp phép hoạt động khoáng sản làm VLXD thông thường, nhất là cát xây dựng, chưa đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; một số đơn vị chưa thực hiện công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định và nợ đọng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lớn, kéo dài.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản một số nơi chưa được các cấp chính quyền huyện, xã triển khai thác hiện nghiêm túc; công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản của chính quyền cơ sở, đặc biệt là cấp xã chưa thực sự quyết liệt…
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị HĐND tỉnh kiến nghị Trung ương nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản để phù hợp với tình hình thực tế, đồng bộ và tránh chồng chéo; Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Đoàn giám sát đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ một số vấn đề liên quan tới công tác đấu giá các mỏ khoáng sản; công tác kiểm tra đảm bảo an toàn lao động trong quá trình khai thác mỏ khoáng sản; việc đưa các mỏ vào khai thác sau khi trúng đấu giá; mức xử lý vi phạm hành chính và việc hậu kiểm sau khi đã xử lý vi phạm hành chính..
Phát biểu tại cuộc giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh đã ghi nhận những nỗ lực của Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản, góp phần đảm bảo nguồn VLXD phục vụ thi công các công trình, trong đó có dự án cao tốc Bắc – Nam, phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu những ý kiến đóng góp của thành viên Đoàn giám sát, để tiếp tục hoàn thiện báo cáo việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023…
Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cần quan tâm tới tính khả thi của việc quy hoạch các khu vực mỏ làm VLXD thông thường; việc xử lý các đơn vị không hoàn trả môi trường sau khi đóng cửa mỏ; việc chấp hành pháp luật trong đấu giá khai thác khoáng sản; chế tài xử lý với đơn vị trúng đấu giá nhưng không đưa các mỏ vào khai thác; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường…
Nguồn: Báo xây dựng