Vai trò của việc điều chỉnh các tiêu chuẩn đo lường carbon đối với tương lai của thương mại toàn cầu
Bằng việc chỉ rõ ba thách thức hiện nay đối với toàn cầu hóa gồm: Sự căng thẳng về chính trị, sự tự chủ chiến lược của ngành công nghiệp, các chính sách khí hậu và phát triển bền vững, ông Paugam khẳng định các nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã bắt đầu nhận ra những thách thức này và một trong số đó đang kêu gọi thảo luận lại về các chính sách thương mại liên quan đến khí hậu. Một số nước đưa ra khái niệm “khả năng tương tác”, tức là làm thế nào để các chính sách khác nhau có thể tương tác với nhau để giảm thiểu tác động tiêu cực của chúng đối với dòng chảy thương mại và thúc đẩy đầu tư vào quá trình khử cacbon của các chuỗi giá trị. Từ đó, thách thức về đo lường phát thải carbon nổi lên như một nhiệm vụ trọng tâm.
Đại hội đồng Tổ chức Thép thế giới (Worldsteel) ngày 14/10/2024. nguồn: WTO
Theo ông Paugam, WTO có vị thế đặc biệt trong hỗ trợ giải quyết những thách thức về phối hợp và hợp tác này vì mặc dù tổ chức này không phải là cơ quan thiết lập tiêu chuẩn nhưng là diễn đàn nơi các quốc gia có thể cùng nhau thảo luận về cách thức làm cho các chính sách của họ phù hợp với mục đích và tránh xung đột thương mại. Bằng cách đảm bảo tính minh bạch, tạo điều kiện cho đối thoại và thúc đẩy hợp tác về các vấn đề như định giá carbon, trợ cấp xanh hoặc tiêu chuẩn đo lường khí thải, WTO có thể giúp tạo ra một môi trường thương mại toàn cầu hỗ trợ quá trình phi carbon.
Ông Paugam cho biết động lực thúc đẩy đối thoại của Ban Thư ký WTO với ngành thép và Worldsteel về đo lường CO2 chính là mong muốn chứng minh một cách cụ thể rằng thương mại toàn cầu có thể là động lực cho quá trình chuyển đổi xanh. “Nguyên tắc tiêu chuẩn thép”, được đưa ra tại Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) năm ngoái ở Dubai, là ví dụ điển hình nhất về sự hợp tác theo hướng này. Các nguyên tắc này nhằm mục đích thống nhất cách thức đo lường khí thải trong ngành thép. Theo ông, hợp tác giữa chính phủ, ngành công nghiệp, hiệp hội và các tổ chức quốc tế có thể đảm bảo rằng thương mại thúc đẩy quá trình khử cacbon.
Diệu Linh