Nghiên cứu về chiến lược tiêu chuẩn hoá của Hàn Quốc
1. Hệ thống tiêu chuẩn Hàn Quốc
Tiêu chuẩn Công nghiệp Hàn Quốc (KS) là các tiêu chuẩn quốc gia được xây dựng và phát triển và áp dụng tại Hàn Quốc. Hàn Quốc hiện có tổng số 21.805 tiêu chuẩn KS (tính đến tháng 12 năm 2023)[1]. Trong đó, 99,3% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.
Xuất phát từ quan điểm đề xuất tiêu chuẩn quốc tế trước, chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia sau, Điều 127 của Hiến pháp Hàn Quốc quy định “nhà nước sẽ thiết lập hệ thống tiêu chuẩn quốc gia”. Vì mục đích này, Luật tiêu chuẩn quốc gia (1999) đưa ra các quy định chung về tiêu chuẩn quốc gia như: khái niệm tiêu chuẩn quốc gia, cơ quan có thẩm quyền xây dựng tiêu chuẩn, quy trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia… Còn Luật Tiêu chuẩn hóa công nghiệp (1961) tập trung vào các quy định liên quan đến tiêu chuẩn hóa công nghiệp.
Ảnh minh họa Số liệu về tiêu chuẩn KS của Hàn Quốc từ năm 2012-2023
Tiêu chuẩn KS bao gồm 21 lĩnh vực từ lĩnh vực cơ sở (A) đến thông tin (X) và có thể được phân loại thành ba loại chính: tiêu chuẩn sản phẩm, tiêu chuẩn quy trình và tiêu chuẩn cơ bản. Việc phân lĩnh vực KS được thiết kế để giúp người dùng nhận dạng tốt hơn các lĩnh vực của KS.
Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia của Hàn Quốc là Cơ quan Công nghệ và Tiêu chuẩn Hàn Quốc (KATS), trực thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng (MOTIE). KATS đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chương trình tiêu chuẩn quốc gia của Hàn Quốc đại diện cho chính phủ. Còn Hiệp hội tiêu chuẩn Hàn Quốc (KSA) đại diện cho tổ chức có chuyên môn được chính phủ chỉ định để phát triển và duy trì hiệu quả các tiêu chuẩn quốc gia.
Phù hợp với định hướng chính sách của chính phủ Hàn Quốc là “tăng cường vai trò của tổ chức tư nhân trong việc thúc đẩy tiêu chuẩn hóa”, KSA đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào việc phát triển các tiêu chuẩn mới và thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế. KSA đã đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc phát triển các tiêu chuẩn quốc gia bằng cách trở thành Tổ chức Hợp tác Phát triển Tiêu chuẩn (COSD) và vận hành Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tiêu chuẩn Một cửa. Với tư cách là thư ký của các ban kỹ thuật, KSA có ý định tạo ra sự hiệp lực trong các nỗ lực tiêu chuẩn hóa trong nước, quốc tế và tích cực tham gia vào các sáng kiến tiêu chuẩn hóa toàn cầu.
KSA đã thiết lập hệ thống tiêu chuẩn ở các nước đang phát triển và đang triển khai nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau để đáp ứng nhu cầu của từng quốc gia, bao gồm lập kế hoạch tổng thể cho chính sách tiêu chuẩn quốc gia và tạo ra khuôn khổ thể chế cho các tiêu chuẩn, khả năng tương thích và đo lường. Thông qua các lĩnh vực hoạt động này, KSA đang hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Khu vực Châu Phi (ARSO, Châu Phi), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Vùng Vịnh (GSO, Trung Đông), Ủy ban Tiêu chuẩn Liên Mỹ (COPANT, Trung và Nam Mỹ) và Diễn dàn Tiêu chuẩn Khu vực Thái Bình Dương (PASC, Châu Á – Thái Bình Dương) nhằm nâng cao vị thế toàn cầu của mình.
Theo số liệu mà KATS cung cấp, trung bình mỗi năm (từ 2021-2023) Hàn Quốc đề xuất mới trên 80 tiêu chuẩn quốc tế, trong rất nhiều lĩnh vực như: công nghệ thông tin, công nghệ nano, y tế, điện tử, cơ khí, xây dựng, môi trường,…
2. Chiến lược tiêu chuẩn hóa của Hàn Quốc
Chiến lược đảm bảo xây dựng tiêu chuẩn quốc tế nhằm tạo ra khoảng cách lớn trong các ngành công nghệ cao- mở ra một kỷ nguyên mới của tiêu chuẩn quốc tế do Hàn Quốc đề xuất và phát triển.
Vào tháng 1/2024, ông Cho Seong-hwan (cố vấn của Hyundai Mobis) với tư cách là chủ tịch Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch đầu tiên của Hàn Quốc. Tại cuộc họp toàn thể của ISO 2023 (tháng 9/2023), Chủ tịch Cho đã công bố 05 chính sách quan trọng cần tập trung trong nhiệm kỳ của mình: : (1) Thực hiện chiến lược ISO 2030; (2) Ứng phó với khủng hoảng toàn cầu; (3) Mở rộng sự tham gia ở các nước đang phát triển; (4) Thúc đẩy phổ biến tiêu chuẩn; (5) Tăng cường năng lực giáo dục. Giám đốc Jin Jong-wook của KATS cho biết: “Đây được kỳ vọng là một cơ hội và chính phủ Hàn Quốc sẽ hợp lực để viết nên một chương mới về tiêu chuẩn”.
Tham dự Đại hội đồng ISO năm 2024 tháng 9 vừa qua tại Cartagena, Colombia, KATS đã xác nhận rằng, “Diễn đàn Tiêu chuẩn Thế giới lần thứ nhất” sẽ được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 12/2025 tại Seoul, với chủ đề ‘Các tiêu chuẩn để tăng trưởng bền vững tốt hơn trong tương lai, vượt xa các tiêu chuẩn về sản xuất sản phẩm’ và sẽ được tổ chức ở nhiều thị trường toàn cầu khác nhau.[3]
Tại diễn đàn này, giám đốc điều hành từ các công ty hàng đầu sẽ tham dự và sẽ có bài thuyết trình về các phương pháp tối ưu cũng như thảo luận mở về chiến lược tiêu chuẩn hóa từ góc độ công ty. Với việc Seoul đăng cai diễn đàn lần đầu tiên, Hàn Quốc chính thức trở thành “nước công nghiệp công nghệ cao” như được công bố hồi tháng 5/2024.
Dự kiến, đây sẽ là cơ hội để tăng cường vai trò lãnh đạo của các công ty Hàn Quốc theo tiêu chuẩn KS, tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm việc thiết lập các kênh hợp tác và hợp tác chiến lược với các công ty toàn cầu nhằm đáp ứng ‘chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia ngành công nghệ cao’ của Hàn Quốc.
Ông Jin Jong-wook- Giám đốc KATS- cho biết: “Việc chúng tôi đăng cai Diễn đàn Tiêu chuẩn Thế giới, nơi giám đốc điều hành từ các công ty toàn cầu tham gia, có nghĩa là hiện trạng tiêu chuẩn hóa của đất nước chúng tôi đã nâng lên một tầm cao mới. Chúng tôi sẽ củng cố hơn nữa nền tảng để phát triển tiêu chuẩn hóa và khả năng cạnh tranh quốc tế của ngành công nghiệp Hàn Quốc”.
Như vậy, trải qua 60 năm kể từ khi tiêu chuẩn KS phát triển, tiêu chuẩn KS đã trở thành nền tảng cho bước nhảy vọt của Hàn Quốc với tư cách là một quốc gia công nghiệp thông qua tiến bộ công nghệ và cải tiến chất lượng. Tiêu chuẩn đóng góp 0,8% GDP (10,4 nghìn tỷ KRW) của Hàn Quốc hàng năm[4]. Hàn Quốc đã và đang từng bước khẳng định được vai trò và vị trí chủ chốt trong bức tranh tổng thể về tiêu chuẩn hóa toàn cầu.
Hoàng Thị Hương Trà – Bùi Ngọc Bích (Viện TCCL Việt Nam)