Vì sao Temu bị người tiêu dùng ‘quay xe’ dù chưa kịp vào thị trường Việt Nam?

Temu là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc) – nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay. Thời gian gần đây, Temu mở tính năng bán hàng tại Việt Nam và chạy quảng cáo rầm rộ đến người dùng. Điểm nổi bật của Temu là giá sản phẩm rất rẻ so với các sàn thương mại điện tử khác và chỉ bằng một nửa so với các mặt hàng trong nước.

Thêm nữa, Temu cũng có cách tiếp cận độc đáo, khác lạ so với các sàn khác là trợ cấp chi phí vận chuyển, tức Temu chịu chi phí vận chuyển cho khách hàng, đặc biệt là giao hàng quốc tế. Thế nhưng, thực hư chuyện giá rẻ này tới từ đâu, các chuyên gia cũng tỏ ra khá thận trọng khi nhận định, bởi sàn thương mại này còn quá mới mẻ ở Việt Nam và cần thêm thời gian để theo dõi.

Anh Trần Nam (Long Biên, Thành phố Hà Nội) biết đến Temu khi thấy quảng cáo về trang này trên mạng xã hội. Thấy mức giá các sản phẩm quá hấp dẫn, anh click vào xem thử và được mời tham gia quay vòng quay trúng thưởng với mức độ khuyến mãi hàng hoá khác nhau, từ 50 – 80% giá trị.

Ngay lần quay đầu tiên, anh Nam đã trúng ô giảm 80% – mức giảm cao nhất và được hướng dẫn cài đặt ứng dụng Temu để mua sắm. Với mức khuyến mãi vừa nhận được, anh Trần Nam có thể mua nhiều sản phẩm tiền triệu với giá chỉ vài trăm ngàn, thậm chí còn miễn phí vận chuyển. Điều này quả thực là một trải nghiệm mua sắm hấp dẫn.

Song một khách hàng khác, anh T. Hải lại cho biết: “Dù đã download app Temu được 10 ngày do không thể cưỡng được sức hấp dẫn của quảng cáo, tôi vẫn “giữ mình” khi không click vào giỏ hàng để rinh về món đồ được Temu giảm giá tới 96% + free ship vì không muốn rước thêm “rác” về nhà. Đơn giản vì trong nhà tôi đã có quá nhiều món đồ được đặt vô tội vạ từ các sàn thương mại khác và không sử dụng được hoặc không sử dụng tới”.

Theo chia sẻ của anh Hải, có những sản phẩm như cây lau nhà thông minh quảng cáo vô cùng hấp dẫn và tiện dụng trên các nền tảng mạng xã hội nhưng không dùng được một lần nào và trở thành rác trong cảm giác ấm ức.

Ứng dụng Temu âm thầm “đi chui” vào thị trường Việt Nam từ tháng 10/2024.

“Không thể phủ nhận sự bùng nổ của những sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đã mang lại cho người tiêu dùng rất nhiều tiện ích nhưng cũng mang tới không ít phiền não mỗi lần phải dọn “rác” như thế. Chúng ta không thể ngăn được hàng hoá Trung Quốc giá rẻ, chất lượng kém tràn vào Việt Nam nhưng trên góc độ của một người tiêu dùng cẩn trọng, chúng ta có thể chậm lại một nhịp để chỉ click chuột vào những món đồ thực sự cần hoặc ta biết chắc rằng chúng hữu dụng. Viết những dòng này, tôi nhớ đến một câu nói của ông Warren Buffett: Nếu bạn mua những thứ bạn không cần, bạn sẽ sớm phải bán đi những thứ bạn cần” – anh Hải viết trên trang cá nhân của mình.

Một trường hợp khác – chị Tuệ Lâm (ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) lướt Facebook và gặp một đôi bông tai “vừa mắt”. Sau khi ấn vào sản phẩm, ứng dụng Facebook đưa chị đến một sàn thương mại điện tử có tên Temu. Đôi bông tai chị muốn mua hiển thị giá chỉ 39.000 đồng, miễn phí giao hàng. Tuy nhiên, để mua hàng, chị bắt buộc phải tải ứng dụng Temu về điện thoại và đăng nhập tài khoản. Sau khi hoàn thành thao tác tải và đăng nhập, ứng dụng một lần nữa yêu cầu chị chọn mua thêm mặt hàng khác. Bởi chỉ với đơn trên 120.000 đồng, người mua mới được miễn phí giao hàng.

Cho rằng số tiền 120.000 đồng không quá lớn, chị Lâm tiếp tục dạo nhiều vòng Temu shop. Sau khoảng 15 phút, giỏ hàng của chị đã lên tới hơn 500.000 đồng.

Việc mua hàng sẽ diễn ra suôn sẻ nếu như ứng dụng Temu không yêu cầu chị liên kết với thẻ visa để thanh toán trước đơn hàng. Do đó, chị quyết định hủy đơn và xóa ứng dụng vì cho rằng mình đang bị “dắt”. “Tôi cảm thấy không an toàn. Nếu tính ra giá ở Temu có vẻ không hề rẻ hơn các sàn khác, trong khi đó lại bắt trả tiền trước, rồi kết nối thông tin tài khoản thẻ visa. Thật tình với những đơn hàng chỉ khoảng vài trăm nghìn, nhận hàng mà không đạt yêu cầu thì người mua cũng rất làm biếng để thực hiện thao tác đổi trả, thường sẽ chấp nhập mất tiền và bỏ mặt hàng đó”, chị Tuệ Lâm cho hay.

Để bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dung, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Bộ Công Thương quyết liệt ngăn chặn hiển thị quảng cáo, khuyến mại vi phạm quy định trên các website, nền tảng thương mại, mạng xã hội….

Bên cạnh đó, văn bản do Phó giám đốc Sở Nguyễn Nguyên Phương ký cũng kiến nghị Bộ Công Thương có giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử kết nối với đối tác quốc tế, tham gia các hội chợ, triển lãm trực tuyến toàn cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới…

Theo quy định hiện hành, trách nhiệm của thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn các giao dịch hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam. Thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam; thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định… Tuy nhiên, chưa quy định rõ các nghĩa vụ khác (như đăng ký hoạt động thương mại điện tử trong nước) và chưa quy định cụ thể các biện pháp chế tài xử lý vi phạm.

Thanh Hiền (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích