Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính với hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001
Thời gian qua, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã ban hành chính sách chất lượng, mục tiêu chất lượng năm 2024, kèm kế hoạch thực hiện mục tiêu chất lượng; bảng nhận diện, đánh giá, giải quyết rủi ro và cơ hội, kế hoạch giải quyết rủi ro và cơ hội. Kế hoạch triển khai duy trì, cải tiến HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015 tại Sở Y tế Lâm Đồng năm 2024 và lập dự toán bố trí kinh phí cho hoạt động duy trì, cải tiến và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của Sở Y tế xem là nhiệm vụ cần thực hiện định kỳ hàng năm.
Kết quả cụ thể đã chuyển đổi và áp dụng ISO từ năm 2019 đến nay, hàng năm, Sở Y tế vẫn duy trì và cải tiến HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đối với 95 TTHC của 10 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế Lâm Đồng. Thực hiện công bố HTQLCL phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Kiện toàn tổ công tác ISO tại Sở Y tế Lâm Đồng và trình UBND tỉnh công bố các TTHC ban hành mới, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ.
Theo đánh giá của Sở Y tế Lâm Đồng, việc xây dựng và áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch cải cách hành chính hàng năm của Sở Y tế. Cụ thể đưa vào nhiệm vụ tiếp tục duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của Sở Y tế.
Việc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đã mang lại hiệu quả trong hoạt động của cơ quan như sau: Các phòng thuộc Sở đã xác định đúng mục tiêu chất lượng của từng phòng. Hoạt động của cơ quan đi vào nền nếp, các phòng đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công, các phòng đã thực hiện phân công công việc cụ thể đến từng cán bộ, công chức, từng bộ phận thực hiện.
Thông qua việc tự kiểm soát, kiểm soát công việc đã giúp toàn bộ hệ thống phát hiện kịp thời những điểm chưa phù hợp để tìm ra nguyên nhân, khắc phục và phòng ngừa kịp thời, đồng thời có những kiến nghị, đề xuất nhằm cải tiến HTQLCL của cơ quan. Giúp quy trình giải quyết TTHC quy định rõ ràng về trình tự thực hiện, nhiệm vụ của các phòng, cá nhân tham gia vào quá trình giải quyết TTHC. Từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết công việc của cơ quan, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC thuộc lĩnh vực y tế.
Ảnh minh họa.
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh nên việc cập nhật hồ sơ và tiến độ giải quyết công việc đáp ứng yêu cầu, kịp thời nhanh chóng. Việc sắp xếp hồ sơ, tài liệu có hệ thống, khoa học và hợp lý tạo thuận lợi cho việc tra cứu hồ sơ. Đề xuất, kiến nghị từ các cá nhân, các phòng được lãnh đạo xem xét kịp thời, bảo đảm sẵn có các nguồn lực để thực hiện tốt mục tiêu đề ra.
Thực hiện tích hợp các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế trên Hệ thống dịch vụ công của tỉnh và công bố áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trên trang Thông tin điện tử của Sở Y tế; các quy trình ISO của từng TTHC được cập nhật thường xuyên nhằm thuận lợi trong công tác quản lý và thực hiện giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân. Đánh giá nội bộ trong kỳ kiểm tra Hệ thống tài liệu ISO đi vào nền nếp, thực hiện theo đúng quy trình, xem xét việc thực hiện mục tiêu của phòng, ban, xác định chính xác mục tiêu cần thực hiện trong năm. Trong quá trình triển khai thực hiện và áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, Sở Y tế không phát sinh vi phạm nào đối với các hoạt động xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống.
Những thuận lợi trong việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại Sở Y tế là được lãnh đạo Sở thường xuyên chỉ đạo các phòng thuộc Sở, đơn vị trực thuộc tập trung triển khai các hoạt động áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015. Cán bộ, công chức từng bước nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trong nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi và áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại Sở Y tế và các đơn vị để giúp kiểm soát tốt, toàn diện quá trình giải quyết công việc nội bộ trong quá trình tiếp nhận và giải quyết các TTHC. Thông qua đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý, thực hiện công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp và phục vụ lợi ích cho người dân.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Sở Y tế đã tiếp nhận trực tuyến 1.717 hồ sơ, không có hồ sơ nhận trực tiếp; kết quả đã giải quyết trước hạn 1.349 hồ sơ; 4 hồ sơ đúng hạn và 2 hồ sơ quá hạn trên hệ thống (1 hồ sơ về điều chỉnh giấy phép hành nghề trong giai đoạn chuyển tiếp đã giải quyết trước hạn, thao tác chậm trên hệ thống; 1 hồ sơ cấp giấy chứng nhận mắc bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học trễ hạn); chưa giải quyết còn trong hạn là 435 hồ sơ, gồm: 65 hồ sơ lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, 363 hồ sơ lĩnh vực dược phẩm, 6 hồ sơ lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận trong kỳ là 95,9%; tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết trước hạn trên tổng số hồ sơ giải quyết đạt 99,6%. Sở Y tế đã thực hiện số hóa 100% TTHC; trả kết quả số hóa kết quả giải quyết TTHC cho người dân trên hệ thống iGate của tỉnh.
Khó khăn tồn tại hiện nay do thực hiện Quy trình ISO theo HTQLCL tiêu chuẩn quốc gia 9001:2015 phải xây dựng Quy trình nội bộ, Quy trình ISO, Quy trình điện tử và Tái cấu trúc quy trình cho từng thủ tục, dẫn đến mất nhiều thời gian cho cán bộ thực hiện. TTHC thường xuyên sửa đổi, bổ sung nên việc xây dựng và áp dụng tích hợp quy trình ISO trên Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh chưa kịp thời.
An Hạ