Cân bằng dây chuyền sản xuất để có năng suất cao hơn
Theo JIS z 8141 (Tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản về các thuật ngữ dùng trong sản xuất): Heijunka là phương pháp sản xuất để cân bằng về loại sản phẩm và lượng sản xuất của quá trình lắp ráp cuối cùng, nhằm điều chỉnh quá trình sản xuất theo sự thay đổi của yêu cầu khách hàng.
Heijunka là một trong những công cụ để đạt được trình độ sản xuất “Vừa – đúng – lúc” (Just-ln-Time/JIT). Đó là kỹ thuật để giúp loại bỏ các lãng phí dựa trên nguyên tắc: tạo ra sản phẩm trung gian theo một tốc độ ổn định nhằm cho phép quá trình tiếp theo cũng được thực hiện theo một tốc độ ổn định và có thể dự báo trước được.
Lợi ích của Heijunka là tạo được phương pháp hoạch định sản xuất để đáp ứng hiệu quả hơn các nhu cầu đa dạng, thường xuyên thay đổi của nhiều khách hàng khác nhau một cách linh hoạt. Tránh được các lãng phí: Sản xuất sớm hơn cần thiết, giảm mức tồn kho thành phẩm, giảm các chi phí về vốn. Đảm bảo ổn định nguồn lực (con người, máy móc không bị quá tải, căng thẳng). Giảm thời gian sản xuất và do đó khả năng giao hàng tốt hơn.
Heijunka là một trong những công cụ để đạt được trình độ sản xuất “Vừa – đúng – lúc”.
Heijunka tập trung vào việc làm cho quá trình sản xuất được cân bằng, đồng đều cả về lượng và loại các sản phẩm với đặc điểm: Không sản xuất sản phẩm theo hướng bị cuốn theo sự biến động về loại, lượng sản phẩm trong yêu cầu đặt hàng thực tế của khách hàng. Căn cứ theo lượng các đơn hàng của khách hàng trong một thời gian nhất định và cân đối lại để sản xuất theo lượng và loại sản phẩm tương tự nhau hàng tháng, hướng tới cân bằng sản xuất hàng tuần và tốt nhất là hàng ngày.
Các nhà quản lý cho rằng, sẽ tốt hơn nếu nhà sản xuất tính toán được nhu cầu dài hạn đối với sản phẩm liên quan và tiến hành sản xuất theo tốc độ ổn định. Tức là, nếu trung bình nhu cầu đối với sản phẩm nào đó là 500 đơn vị/tuần (100 đơn vị/ ngày), thì tiến hành sản xuất theo tốc độ được cân bằng là 500 đơn vị/ tuần (100 đơn vị/ngày). Các nhà quản lý cũng tính toán mức tồn kho tiêu chuẩn của thành phẩm tại điểm cuối của quá trình sản xuất trong trường hợp sản xuất theo phương thức “make-to-stock”.
Đối với trường hợp các sản phẩm được sản xuất theo đơn đặt hàng (make-to-order), mức tồn kho tiêu chuẩn của các sản phẩm này được thiết lập tại ngay trước điểm tùy biến (point of customization) của sản phẩm đó. Mức độ tồn kho phụ thuộc vào mức độ biến động của đơn hàng, sự ổn định của quá trình sản xuất và tần suất giao hàng. Ví dụ, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm A dao động từ 400 – 600 đơn vị/tuần, khi đó mức trung bình có thể dự báo là 500 đơn vị/ tuần. Nếu xem rằng quá trình sản xuất là hoàn toàn ổn định (với công cụ hỗ trợ như 5S, TPM, Chuẩn hóa hoạt động, v.v và các hệ thống như ISO 9001 và tần suất giao hàng là 1 lần/tuần, thì mức tồn kho tối thiểu sẽ là 100 đơn vị sản phẩm A vào đầu tuần và là 600 đơn vị vào cuối tuần tại thời điểm giao hàng, rồi sẽ là 100 đơn vị vào đầu của tuần tiếp theo.
Phương Nam