Ba Vì (Hà Nội): Đẩy mạnh công tác xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

(Xây dựng) – Tiếp tục xác định công tác xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là một nhiệm vụ trọng tâm, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ba Vì đã tập trung đồng bộ nhiều giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thiện các tiêu chí đối với các xã đăng ký xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Ba Vì (Hà Nội): Đẩy mạnh công tác xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu
Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Ba Vì đã được đầu tư đồng bộ, xanh sạch đẹp.

Ứng dụng tiến bộ khoa học vào xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/03/2021 của Thành ủy Hà Nội; Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021 của UBND Thành phố Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” và Chương trình số 02-CTr/HU ngày 30/09/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng huyện nông thôn mới, các xã nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021-2025”, Ban Chỉ đạo nông thôn mới huyện Ba Vì đã chỉ đạo các xã Phú Đông và Minh Quang tập trung hoàn thiện các tiêu chí cơ bản để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo đó, hai xã đã hoàn thành hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, toàn huyện đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, huyện đã hỗ trợ giống cây trồng cho vụ xuân với tổng diện tích 3.440ha, tương đương 120 tấn lúa giống. Chương trình cơ giới hóa sản xuất cũng được triển khai, với mô hình mạ khay máy cấy quy mô 25ha tại xã Tản Hồng. Chương trình chăm sóc bưởi VietGAP được thực hiện tại xã Yên Bài với diện tích 8ha. Đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn được duy trì và phát triển ổn định. Đặc biệt, đàn bò sữa đạt 11.920 con, sản lượng sữa 28.000 tấn.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: “Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, huyện Ba Vì đang từng bước hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn. Để nhanh chóng hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đã chỉ đạo các xã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, bổ sung các thiết chế tại các nhà văn hóa. Chương trình mỗi xã một sản phẩm được đẩy mạnh, phấn đấu có thêm 10 sản phẩm OCOP mới đạt từ 3 sao trở lên. Đồng thời, tổ chức cho các chủ thể trên địa bàn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP. Việc đẩy mạnh bán hàng trực tuyến cũng được chú trọng để giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện đến với người tiêu dùng…”.

Ba Vì (Hà Nội): Đẩy mạnh công tác xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu
100% đường trục chính, liên thôn trên địa bàn xã Tản Hồng (Ba Vì) đã được cứng hoá.

Ưu tiên kinh phí thực hiện các tiêu chí về hạ tầng

Trong thời gian tới, huyện Ba Vì phấn đấu 4 xã: Ba Trại, Cổ Đô, Tản Lĩnh và Thuần Mỹ hoàn thành nông thôn mới nâng cao và 3 xã: Vạn Thắng, Phú Phương và Phong Vân hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo lĩnh lực.

Hiện nay, qua rà soát các tiêu chí nông thôn mới nâng cao đối với 4 xã đăng ký xây dựng trong năm 2024. Cụ thể: Xã Cổ Đô đạt 9/19 tiêu chí, cơ bản đạt 10/19 tiêu chí, chấm điểm 87,3/100 điểm; xã Ba Trại đạt 7/19 tiêu chí, cơ bản đạt 13/19 tiêu chí, chấm điểm 81,8/100 điểm; xã Tản Lĩnh đạt 9/19 tiêu chí, cơ bản đạt 10/19 tiêu chí, chấm điểm 84,3/100 điểm; xã Thuần Mỹ đạt 10 tiêu chí, 9 tiêu chí chưa đạt, chấm điểm 82,8/100 điểm. Và 3 xã đăng ký xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gồm, xã: Vạn Thắng, Phong Vân và Sơn Đà lần lượt đạt 75/100 điểm, 86/100 điểm và 70/100 điểm.

Nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Ba Vì tiếp tục tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm xây dựng nông thôn mới và những chủ trương, chính sách của Trung ương, Thành phố trong công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Rà soát, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, qua đó đề xuất nhu cầu đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới Thành phố tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm nông thôn mới từ UBND huyện đến xã, thôn; tiếp tục chỉ đạo phân công các phòng, ban, đơn vị chuyên môn phụ trách tham mưu UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn các xã thực hiện, chuẩn bị hồ sơ về các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tập trung đầu tư hỗ trợ kinh phí cho 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch UBND xã Tản Hồng cho biết: Cùng với sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành cấp huyện và thành phố, đến nay 100% đường trục chính, liên thôn trên địa bàn xã đã được cứng hoá; 100% đường ngõ xóm rộng trên 2m có hệ thống đèn chiếu sáng. Trạm Y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia và 100% các thôn có nhà văn hoá. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người dân liên tục tăng qua các năm, hiện đã đạt hơn 75 triệu đồng/năm. Thời gian tới, chính quyền và nhân dân xã Tản Hồng tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt.

Ông Nguyễn Giáp Đông, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Ba Vì nhấn mạnh: Để hoàn thành mục tiêu chương trình năm 2024, huyện Ba Vì cần ưu tiên, hỗ trợ kinh phí kịp thời để thực hiện các tiêu chí về hạ tầng đối với 4 xã nông thôn mới nâng cao và 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, UBND huyện Ba Vì cần có chính sách, mời gọi các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ và liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện như: Bò sữa, bò thịt, đà điểu, gà đồi, chuối, khoai lang Đồng Thái nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm góp phần nâng cao đời sống nông dân. Đến nay, huyện Ba Vì có 47 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP, trong đó có 34 sản phẩm đạt 4 sao như: Sữa và các sản phẩm từ sữa, giò đà điểu, miến, sản phẩm chay. Có 13 sản phẩm xếp hạng đạt 3 sao như: Thịt đà điểu, gà đồi, nghệ, mật ong…

Cũng theo ông Nguyễn Giáp Đông, tất cả các sản phẩm được lựa chọn đều là các sản phẩm đặc trưng và có thế mạnh được các cơ sở sản xuất, chế biến đảm bảo an toàn, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chất lượng kiểm định và ghi nhãn hóa theo quy định. Các sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập ổn định cho người dân.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích