Biến rác thải rắn thành con đường nghệ thuật

Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường

Nằm bên bờ đê sông Hồng, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 15km, làng Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) mang đến một cảm giác bình yên cho bất kỳ ai ghé thăm nơi đây, bởi những con ngõ đậm nét làng Việt xưa. Thời gian gần đây, nơi này thu hút thêm sự chú ý của mọi người nhờ hàng trăm bức tranh ghép tường đa sắc chạy dài khắp ngõ ngách của ngôi làng.

Biến rác thải rắn thành con đường nghệ thuật
Từ những vật liệu tưởng chừng bỏ đi, người dân làng Liên Mạc đã tái sinh thành những bức tranh sống động.

Điều khiến du khách thích thú khi ghé thăm không chỉ là những bức tranh gốm sứ, mộc mạc, đầy tính nghệ thuật mà còn từ nguồn vật liệu đặc biệt làm ra những tác phẩm này hầu hết đều là đồ phế liệu như: Mảnh chai, lọ thủy tinh; bát, đĩa, gạch, ngói vỡ, gạch lát xây dựng… Những thứ tưởng như đã bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường, qua bàn tay của người dân Liên Mạc đã được tái sinh trở thành những bức tranh mộc mạc, hấp dẫn, đa sắc màu.

Xuất phát từ tình yêu quê hương và mong muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, họa sĩ Ngô Quỳnh Liên (chủ nhiệm mô hình “Tranh ghép tường làng Liên Mạc”) đã ấp ủ mong muốn biến những bức tường làng rêu mốc trở thành những bức tranh nghệ thuật được ghép từ rác thải rắn. Được tiến hành từ tháng 10/2022 đến nay, làng Liên Mạc đã hoàn thành hàng trăm bức tranh nghệ thuật bằng gốm sứ, chai lọ, phế thải xây dựng,…

“Tôi tự hào và khẳng định rằng con đường tranh ghép của làng Liên Mạc mang thông điệp bảo vệ môi trường vì những bức tranh được làm từ những rác thải rắn bỏ đi. Ban đầu khi ý tưởng được đưa ra, người dân chỉ mong muốn vẽ những bức tranh bích họa để trang trí đường làng. Tuy nhiên, bích họa chỉ được một thời gian, nắng mưa sẽ bị phai màu, trong khi dùng rác thải rắn để tạo thành những bức tranh gốm sứ sẽ bền lâu, giảm áp lực cho môi trường cũng như việc thu gom, hạn chế được việc dán quảng cáo gây phản cảm trên các mảng tường”, họa sĩ Ngô Quỳnh Liên chia sẻ.

Biến rác thải rắn thành con đường nghệ thuật
Tác phẩm tái hiện cổng làng Liên Mạc.

Chị Nguyễn Thị Hiên (Phó chủ nhiệm mô hình phụ trách kỹ thuật ghép) tâm sự: “Khi tôi đi tập thể dục quanh làng thì thấy rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình rất nhiều và hầu hết các loại rác đều không được phân loại. Những mảnh bát, mảnh cốc, viên gạch vỡ đều khó phân hủy, chúng tôi đã lên ý tưởng, tái sử dụng những nguyên vật liệu này thành những bức tranh nghệ thuật, làm đẹp các con đường làng, ngõ xóm”.

Sự xuất hiện của những bức tranh ghép nghệ thuật từ gốm, sứ, thủy tinh tái chế và vật liệu xây dựng đã làm thay đổi những bức tường rêu mốc, cũ kỹ, khiến người dân nơi đây tự hào, phấn khởi trước hình ảnh mới của ngôi làng.

Anh Ngô Xuân Thạo (Tổ dân phố Hoàng Liên 2, làng Liên Mạc) cho biết: “Không chỉ có thanh niên, mà người già, trẻ nhỏ cũng tích cực, chung tay góp sức. Mỗi người tùy vào khả năng mà tham gia vào từng phần việc, từng công đoạn từ việc thu thập, phân loại, vệ sinh phế liệu, đến cạo tường, cắt gọt, miết mạch, ghép tranh,…Công đoạn để làm nên một bức tranh mất khá nhiều thời gian bởi có nhiều những chi tiết nhỏ, buộc phải đập và cắt gọt những viên gạch cho phù hợp với chi tiết của bức tranh. Nhưng điều phấn khởi là được bà con trong làng rất đồng tình hưởng ứng”.

Gắn kết tình làng nghĩa xóm

Qua đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Mạc, những vật liệu tưởng chừng bỏ đi đã được tái sinh trở thành tác phẩm nghệ thuật, đầy màu sắc. Qua đó, người xem thấy được hình ảnh thân thuộc của làng quê Bắc Bộ như hình ảnh giếng nước, cây đa, sân đình,…cũng như ký ức riêng của mỗi gia đình về cảnh đẹp làng mình khi xưa.

Biến rác thải rắn thành con đường nghệ thuật
Thay thế những bức tường rêu mốc, các bức tranh được ghép từ gốm sứ vừa bền đẹp, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố Hoàng Liên 2 Nguyễn Văn Hạnh chia sẻ: “Kể từ khi bắt tay vào thực hiện, con đường tranh ghép của làng Liên Mạc đã có nhiều tác phẩm ấn tượng, đồng thời lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp. Những ngày làm tranh là những ngày gắn kết cộng đồng dân cư khu phố. Mỗi người một chân một tay góp sức, góp công. Không khí làm việc vui vẻ, khẩn trương nhất là những ngày nghỉ cuối tuần, các gia đình, đoàn viên thanh niên, chi hội phụ nữ, tổ dân phố nô nức kéo nhau làm tranh”.

Chia sẻ về mô hình ý nghĩa này, chị Trương Thu Hương, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Liên Mạc cho rằng dự án tranh ghép của người dân làng Liên Mạc vừa góp phần bảo vệ môi trường, phát huy ý thức của người dân về việc chung tay làm đẹp cảnh quan nơi mình sinh sống, vừa gắn kết tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm. Từ thành công của các Tổ dân phố Hoàng Liên 1, Hoàng Liên 2 và Hoàng Liên 3, đoàn viên, thanh niên cũng đã hoàn thiện xong công trình trước cổng trụ sở Công an phường và sắp tới đoàn viên, thanh viên sẽ phối hợp với các bên liên quan nhằm lan tỏa mô hình đến với các tổ dân phố còn lại trên địa bàn.

Còn theo ông Nguyễn Kế Hiền, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận Tổ dân phố Hoàng Liên 2, việc người dân chung tay tạo nên con đường tranh ghép gốm sứ, thủy tinh tái chế và rác thải sinh hoạt ngoài ý nghĩa bảo vệ môi trường, chung tay làm đẹp các con đường làng, thì nó còn thể hiện tinh thần “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh” ở cơ sở trong việc gắn kết cộng đồng vì lợi ích chung.

N.Hoa – N.Hoài

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích